Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

thế kỷ Trung Quốc



Thế kỉ Trung Quốc?

Helmut Schmidt – Lý Quang Diệu


Cuộc trò chuyện kéo dài ba ngày mới đây giữa hai chính khách kì cựu, một ở phương Đông và một ở phương Tây: cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt (Đảng Dân chủ Xã hội) có thể cung cấp cho người đọc Việt Nam một số góc nhìn tham khảo về những đề tài lớn, đặc biệt về sự dịch chuyển quyền lực, sự phân cực trên thế giới và vai trò của Trung Quốc trong thế kỉ này.

Người dịch

__________________


Helmut Schmidt: Lần đầu tiên đến Bắc Kinh tôi được Hoàng đế Trung Hoa tiếp – hồi đó ngài là Mao Trạch Đông.

Lý Quang Diệu: (cười)

Helmut Schmidt: Mao là một tay tàn bạo.

Lý Quang Diệu: Ông ta là một nhà lãnh đạo chiến tranh du kích lỗi lạc đã giải phóng Trung Quốc. Nhưng ông ta cũng tàn phá Trung Quốc bằng Cách mạng Văn hóa. 18 triệu người chết đói vì phải đem hết dao và muổng ra để luyện gang. Ông ta thật điên rồ. Tưởng giải phóng Trung Quốc xong rồi thì thay đổi thế giới có khó gì.

Helmut Schmidt: Ông ta cho rằng: Cần gì giai cấp vô sản công nghiệp, dùng vô sản nông thôn cũng được.

Lý Quang Diệu: Đúng vậy.

Helmut Schmidt: Nhưng người nông thôn thường không sẵn tinh thần cách mạng.

Lý Quang Diệu: Điều đó tôi không chắc. Ở thời buổi của iPhone, internet và truyền hình toàn quốc bây giờ, người ta rất bất mãn vì thấy nhà mình thì tồi tàn, còn những thành phố duyên hải lại thịnh vượng.

Helmut Schmidt: Thời ông, ai là nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất?

Lý Quang Diệu: Đặng Tiểu Bình.

Helmut Schmidt: Tôi đồng ý. Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất trong tất cả những người tôi từng gặp.

Lý Quang Diệu: Người có một mét rưỡi, nhưng tầm vóc chính trị thì khổng lồ.

Helmut Schmidt: Năm 1983 tôi có một buổi trò chuyện với ông ấy. Hai chúng tôi và một người phiên dịch, khi đó chúng tôi đã quen nhau gần mười năm, nên nói chuyện khá cởi mở và thành thật. Tôi giễu cợt rằng nhìn kĩ vào thực tế thì những người cầm quyền ở Bắc Kinh không được trung thực lắm; họ tuyên bố mình là cộng sản, nhưng thực ra thì họ theo Khổng giáo. Đặng có vẻ hơi sốc một chút, mất vài giây, nhưng sau đó thì ông ấy đáp lại bằng vỏn vẹn ba từ. Ba từ đó là: “Thì đã sao?” (Lý Quang Diệu cười). Tôi công nhận Đặng là một người vĩ đại.

Lý Quang Diệu: Ông ấy có tinh thần cầu thị. Ông ấy đến thăm Singapore, thấy một hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên gì nhưng thịnh vượng, đầy của cải, mọi người đi mua sắm, trong túi rủng rỉnh tiền. Ông ấy quan sát, đặt những câu hỏi chính xác và đi đến kết luận rằng chính sách đầu tư cởi mở của chúng tôi đã đem lại công nghệ và những thị trường mới. Trở về Trung Quốc, ông ấy lập ra sáu đặc khu kinh tế theo mô hình Singapore. Ông ấy thành công và mở cửa Trung Quốc dần dần. Điều đó đã cứu Trung Quốc.

Helmut Schmidt: Thế kỉ 20 được gọi là thế kỉ Hoa Kì. Thế kỉ 21 liệu có là thế kỉ Trung Quốc không?

Lý Quang Diệu: Về tổng sản phẩm nội địa thì đúng. Đến năm 2035, GDP của Trung Quốc sẽ lớn hơn của Hoa Kì. Còn về Quyền lực Mềm (Soft Power), về sức hấp dẫn đối với kẻ khác thì tôi không chắc lắm, vì Hoa ngữ là một trở ngại cho bất kì ai muốn hội nhập với Trung Quốc.

Tuần báo Zeit: Người ta đang nói nhiều đến sự “dịch chuyển toàn cầu”, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Có phải Đại Tây Dương đã thuộc về quá khứ và Thái Bình Dương là tương lai không?

Lý Quang Diệu: Không, theo tôi không nên đánh giá như vậy. Tôi tin rằng từ góc nhìn của đa số người Mỹ hiện nay, châu Âu là một đồng minh khá chắc chắn. Vấn đề của Mỹ sẽ là Trung Quốc. Vậy sự dịch chuyển đó có nghĩa gì? Có nghĩa là Mỹ phải tập trung đầu tư kinh tế và các hoạt động quân sự vào khu vực Thái Bình Dương. Nhưng không có nghĩa là dịch chuyển quyền lực trên thế giới. Mà có nghĩa là Mỹ hướng tiêu điểm vào một sự đe dọa mới cho vị trí bá quyền của mình.

Helmut Schmidt: Đúng, nhưng vị trí bá quyền của Mỹ sẽ không còn áp đảo như ở cuối thế kỉ 19 và trong suốt thế kỉ 20 nữa, nó sẽ dần dần yếu đi, Trung Quốc sẽ dần dần mạnh lên và Nga thì càng ngày càng không thay đổi. (Lý Quang Diệu cười.)

Lý Quang Diệu: Tôi đồng ý với điểm cuối. Đúng, Trung Quốc sẽ mạnh lên, nhưng sẽ không thể bá quyền tới mức kiểm soát được Thái Bình Dương.

Helmut Schmidt: Không, sẽ rất lâu. Phải mất hơn một thế kỉ.

Lý Quang Diệu: Điều đó không thể xảy ra.

Helmut Schmidt: Tôi không chắc là điều đó có thể xảy ra không, nhưng trong thế kỉ 21 này thì không thể.

Tuần báo Zeit: Một trong những thành công to lớn nhất của châu Âu là giờ đây nó đã trở thành một châu lục hòa bình. Có thể nói rằng châu Âu đã biết học từ lịch sử. Còn châu Á thì sao? Giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn nhiều căng thẳng. Rồi còn đủ thứ lò bạo loạn khác: Triều Tiên, Đài Loan, Kashmir.

Lý Quang Diệu: Ở châu Á có những quyền lợi quốc gia riêng biệt đang xung đột nhau. Có hai động lực chính thúc đẩy. Thứ nhất là nền kinh tế Trung Quốc có một quy mô nuốt chửng các nền kinh tế của Nhật, Hàn Quốc và những nước châu Á khác. Thứ hai là sự tự tin mỗi ngày một lớn của Trung Quốc. Càng giầu và mạnh lên thì người Trung Quốc càng tự tin. Vì thế các nước châu Á khác muốn Mỹ hiện diện ở đây để giữ thế thăng bằng.

Helmut Schmidt: Theo tôi biết thì vào khoảng năm 1500 nền văn minh Trung Quốc, gồm cả các ngành khoa học của nó, vượt xa nền kĩ thuật châu Âu ở thời điểm ấy. Sau đó châu Âu dần dần phát triển một thứ gọi là dân chủ, cái mà người Mỹ gọi là chủ nghĩa tư bản, cái mà người Mỹ ngày nay gọi là responbility to protect, “trách nhiệm bảo hộ”, mà theo họ là việc bảo hộ nhân quyền ở các quốc gia khác. Tôi có cảm giác châu Âu coi ba yếu tố đó là những thứ có thể áp dụng ở mọi nơi. Và tất nhiên là người Trung Quốc, người Singapore và một loạt các dân tộc khác, thí dụ ở thế giới Ả-rập, không tán thành như vậy. Công nghiệp hóa thì họ sẵn lòng tiếp nhận, nhưng dân chủ thì không, và họ không sẵn lòng tiếp nhận nhân quyền.

Lý Quang Diệu: Người Nhật, người Trung Quốc và cả người Hàn Quốc không cho rằng nhiệm vụ của họ là bảo người khác phải thay đổi điều gì để cai quản đất nước tốt hơn. Họ bảo, đó là chuyện của bạn. Tôi làm ăn với bạn trên nền tảng trung lập. Tôi không tìm cách thay đổi bạn. Phương Tây có khuynh hướng truyền đạo, các vị cho rằng hệ thống của các vị có giá trị toàn cầu: dân chủ và nhân quyền. Ở Ấn Độ, vì một lí do lạ lùng nào đó, dân chủ đã cắm rễ nhưng nhân quyền thì không, những vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất diễn ra ở Ấn Độ. Ở Trung Quốc, ý tưởng về nhân quyền vừa mới được nhen nhóm, trong khi ý tưởng về nhà nước đứng trên tất cả và bất khả xâm phạm thì vẫn còn rất mạnh.

Helmut Schmidt: Hệ thống Khổng giáo mà theo tôi vẫn còn tồn tại có một ưu thế lớn, vì nó hầu như không bao hàm những khía cạnh tôn giáo.

Lý Quang Diệu: Đúng thế. Cho nên ở Trung Quốc người ta cũng không đánh nhau vì những vấn đề tôn giáo.

Helmut Schmidt: Đó là một ưu thế lớn. Lòng hăng say truyền đạo của người Mỹ theo Thiên Chúa giáo – không biết cơ sở của nó là ở chỗ nào trong Kinh thánh, có lẽ cũng nên tìm hiểu. Thực ra nó không bám rễ sâu lắm trong đó.

Lý Quang Diệu: Nhưng đặc điểm văn hóa của dân Mỹ và các nhà lãnh đạo họ là muốn giáo dục chính phủ các nước khác. Theo tôi phương Tây có cái nhu cầu tự cho rằng mình đã giác ngộ và muốn người khác cũng giác ngộ như mình. Nhưng cũng có thể nhìn nhận động cơ đó theo hướng tích cực – rằng phương Tây muốn thay đổi thế giới, biến nó thành một thế giới tốt đẹp hơn.

Helmut Schmidt: Đúng.

Lý Quang Diệu: Mặt khác cũng có thể coi đó là thái độ ngạo mạn, các vị cho hệ thống của mình là ưu việt, và các vị muốn ép chúng tôi phải tiếp nhận.

Tuần báo Zeit: Những quyền con người nào thì có giá trị phổ cập và những quyền nào thì không?

Lý Quang Diệu: Quyền được sống theo ý mình của mỗi cá nhân; quyền an toàn cho chính mình và gia đình mình của mỗi cá nhân; quyền có việc làm, được đào tạo và chăm sóc y tế của mỗi cá nhân và con cái được học hành – tôi nghĩ rằng những quyền đó người Trung Quốc sẽ chấp nhận. Nhưng đòi được có một phiên tòa xét xử trước khi bị kết án hoặc tống giam, quyền đó không có trong hình dung của họ. Họ quyết định kẻ nào là mối nguy cho xã hội rồi tống vào tù.

Zeit: Còn các quyền tự do hội họp, tự do chính kiến và tự do tôn giáo?

Lý Quang Diệu: Trung Quốc rất hạn chế quyền tự do hội họp.

Tuần báo Zeit: Vậy phương Tây có nên bảo vệ quyền đó không?

Lý Quang Diệu: Phương Tây có thể can thiệp bằng cách nào nhỉ?!

Tuần báo Zeit: Chính dân Trung Quốc đã đòi những quyền này. Năm 1989, những người biểu tình đã dựng một bản sao bức tượng “Nữ hoàng Tự do” ở Quảng trường Thiên An Môn.

Lý Quang Diệu: Vâng, nhưng họ là những chàng trai trẻ rất lãng mạn, và cuối cùng thì họ bị cắt đầu hoặc bắn sang Mỹ. Và dân chúng chỉ coi đó là một sự kiện nhất thời.

Helmut Schmidt: Dù đã già, cá nhân tôi vẫn sẵn sàng tự tay chống lại những kẻ tước đoạt quyền của mỗi con người, không chỉ riêng quyền được sống mà tất cả các quyền. Nhưng tôi dứt khoát không can thiệp vào một quốc gia khác để bảo vệ quyền con người ở đó. Phải nói là tôi rất sợ cái khái niệm “trách nhiệm bảo hộ”.

Lý Quang Diệu: Như ở Lybia – ném bom diệt được một nhà độc tài thì cuối cùng lại sinh ra nhiều vị chỉ huy quân đội cỡ nhỏ mà mỗi vị đều sẽ thành một nhà độc tài.

Tuần báo Zeit: Không có trường hợp nào mà ông thấy “trách nhiệm bảo hộ” là phản ứng chính đáng hay sao? Như trường hợp Khmer Đỏ ở Campuchia, hay trường hợp diệt chủng ở Ruanda?

Lý Quang Diệu: Tôi tin rằng ngày nay trên bình diện quốc tế, diệt chủng là không thể chấp nhận. Nếu giết người vì lí do chủng tộc hoặc nếu một chủng tộc bị đem ra trừng phạt thì can thiệp là chính đáng. Đặc biệt trong trường hợp một nước lớn trừng phạt một nước nhỏ. Nếu không thì thế giới này sẽ thành vô luật pháp.

Helmut Schmidt: Nhưng cái “trách nhiệm bảo hộ” ấy có nguy cơ phình ra vô hạn. Có lẽ chúng ta có lí do chính đáng để bảo vệ người dân ở Ruanda. Nhưng điều đó quá phức tạp, nên chúng ta đã không làm. Có thể là chúng ta có bổn phận đạo đức phải hành động, cũng như đối với người dân ở Chechnya. Nhưng chúng ta đã không làm. Có thể trong trường hợp vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, chúng ta có bổn phận hành động. Nhưng chúng ta đã không làm. Chúng ta chỉ tuân theo cái bổn phận đó trong các trường hợp dễ thực hiện hoặc nếu được lợi thế tuyên truyền.

Lý Quang Diệu: Trong thực tế, phải khả thi thì mới hành động được. Không thể can thiệp vào vụ Thiên An Môn, vì như thế là gây hấn với một thế lực cực lớn. Còn Ruanda – tôi tin rằng Mỹ ân hận là đã không can thiệp.

Helmut Schmidt: Ông có ân hận là chúng ta đã không can thiệp không? (Im lặng khá lâu)

Lý Quang Diệu: Nếu ông muốn biết tôi có đồng ý gửi quân đi để ngăn hai phe xung đột không thì tôi xin nói là không. Còn nếu ông muốn biết rằng theo tôi, việc người Mỹ không can thiệp có sai không thì tôi xin trả lời rằng có, việc đó là sai.

Helmut Schmidt: Tôi tin rằng ông ý thức rõ tính đạo đức nước đôi trong câu trả lời vừa rồi.

Lý Quang Diệu: Vâng, tôi ý thức rõ.

Tuần báo Zeit: Phương Tây đã chế ngự thế giới suốt 500 năm. Giai đoạn lịch sử đó đang kết thúc. Thời đại nào sẽ bắt đầu? Thế kỉ Thái Bình Dương?

Lý Quang Diệu: Tôi không chia sẻ cách nhìn nhận thế kỉ này là Thế kỉ Thái Bình Dương. Tôi tin rằng đó sẽ là một thế kỉ mà Trung Quốc và Mỹ sẽ vượt qua Thái Bình Dương mà cạnh tranh. Nếu châu Âu đủ khả năng liên kết thì thế giới sẽ gồm ba cực. Và thêm Nga – nếu họ hồi phục – đó sẽ là một thế giới bốn cực. Trọng điểm của thế giới đã chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Đúng như vậy. Đừng nên quên rằng 300 năm trước, GDP của Trung Quốc đã chiếm gần 50 % của toàn thế giới và hiện nay đang dần dần tiến đến mức đó, chỉ trừ trường hợp nội bộ Trung Quốc có biến động gì đó.

Tuần báo Zeit: Có nghĩa là Trung Quốc không trỗi dậy, mà Trung Quốc hồi sinh?

Lý Quang Diệu: Gọi thế nào thì tùy, đó là một Trung Quốc mạnh hơn, với một tiếng nói vang to hơn trên nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau và một sức mạnh quân sự to lớn hơn để không cho kẻ nào tiến gần đến biên giới quốc gia.

Helmut Schmidt: Tôi có cảm tưởng rằng cái khái niệm dịch chuyển trung tâm quyền lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương này có xuất xứ từ Mỹ, và hình như nó được dùng để biện minh cho sự dịch chuyển của những mũi tiến và cứ điểm của hải quân và không quân Hoa Kì. Hiện nay Mỹ có một cứ điểm không quân ở Úc, một hạm đội thường trực có thể kiểm soát từ Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương, Biển Hoa Đông, Biển Đông đến các vùng duyên hải Canada. Theo tôi thì người Mỹ đang cường điệu. Còn châu Âu, nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính khiếp đảm năm 2008 thì tôi vẫn đang lặp lại câu quảng cáo rằng chúng ta đang tiến tới một thế giới ba cực, gồm Trung Quốc, Hoa Kì và châu Âu.


Phạm Thị Hoài lược dịch
Nguồn: Lược dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Wie chinesisch wird die Welt?”, Matthias Nass thực hiện, Die Zeit số 57, ra ngày 06-9-2012
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra

(19.09.2012)



tội cho dân



xin lỗi quý bằng hữu, hôm rày bận rộn túi bụi nên không có ý tứ gì để mà mần một vài câu "hài chắc cú" cho đỡ quạnh quẽ. Đành sao lại mấy bài viết của thiên hạ... cho bớt cay cú. Đường còn dài, sẽ còn nhiều điều thú vị để nếm trãi. Mong tất cả cứ bình an.


Thứ Tư, 26/09/2012, 09:01 (GMT+7)

Tội cho dân

TT - “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện!”. Đó là phát biểu gây “chấn động” của ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 - sau chuỗi động đất xảy ra, với lý do: “Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với người dân và mong người dân cũng phải chia sẻ cho chúng tôi”.
Một “chấn động” khác là trong cuộc họp ngày 12-9, tiến sĩ Ngô Thị Lư (Viện Vật lý địa cầu) đã chê dân là “quá kém hiểu biết, chỉ mới nghe động là đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy”.

Khi kêu gọi người dân chia sẻ thì chủ đầu tư cũng đã thoái thác trách nhiệm của mình đối với người dân bằng cách đánh bùn sang ao, khi cho rằng những ngôi nhà bị nứt kia chưa hẳn là do động đất mà do người dân xây tường mỏng, nền mỏng hoặc quá nông(?!). Nói như vậy cũng không khác nào trách người dân “kém hiểu biết”, khi xây nhà không đảm bảo chất lượng để xảy ra lún, nứt. Và bây giờ lại vin vào cớ động đất để bắt chủ đầu tư phải bồi thường, do đó theo lời ông Hải, khi xem xét bồi thường cho dân, đơn vị này sẽ “đánh giá một cách thận trọng”. Quả là chua xót khi người dân bị chủ đầu tư “đánh giá” như vậy!

Phóng viên một tờ báo khi trở lại Trà My thì người dân bảo họ bây giờ đang cô độc lắm. Mấy trận động đất trước nhỏ, nhưng bà con thấy đỡ lo vì có đoàn công tác của trung ương, của tỉnh vào kiểm tra. Còn bây chừ, động đất mạnh hơn, nhà cửa thì nứt, chỉ thấy chính quyền tập cho dân đối phó khi có thảm họa động đất xảy ra. Dân còn bảo trước khi triển khai thủy điện Sông Tranh 2, cán bộ ở tỉnh và Ban quản lý dự án thủy điện 3 đến họp dân tuyên bố hùng hồn, như một tờ báo mạng đã trích dẫn: “Xong thủy điện Sông Tranh 2, bà con ở Trà My không còn nước miếng đếm tiền”(?). Còn bây giờ, người dân nơi đây bảo họ quả thật không còn nước miếng nữa, vì họ đã kêu gào khản cả cổ rồi.

Khi di dời người dân để làm thủy điện, “bánh vẽ” được chủ đầu tư đưa ra làm mồi. Khi xảy ra động đất thì người dân lại trở thành nguyên nhân gây dư luận xã hội không tốt khi nhìn về thủy điện Sông Tranh 2 và kêu gọi người dân biết thân biết phận, biết hi sinh biết chia sẻ. Khi bồi thường cho dân, chủ đầu tư lại thận trọng vì biết đâu dân lại “lừa” mình. Cứ nghĩ về dân như vậy, quả là tội cho dân quá. Sống chung với động đất vốn đã khổ, nghe lời “nghịch nhĩ” dân càng khổ hơn.

NGUYỄN PHAN

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/513250/Toi-cho-dan.html



Còn gì nữa mà hi sinh!

173 là số phản hồi bạn đọc chỉ trong một ngày sau phát biểu của ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2: “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện!” (Tuổi Trẻ ngày 25-9). Bạn đọc bày tỏ sự bức xúc về cách trả lời của ông Hải. Bạn đọc cho rằng không thể nào hiểu được đến giờ phút này ông Hải vẫn có thể đòi hỏi dân hi sinh thêm trong khi họ đã chịu đựng và hi sinh quá nhiều.

Những người trong cuộc cũng hết sức bức xúc khi đọc phần trả lời của ông Hải. Bà Hồ Thị Xin - thôn 2, xã Trà Đốc, Bắc Trà My - phản ứng: “Tôi nghĩ ông Hải nói nhầm. Nói chúng tôi chia sẻ, còn gì nữa mà chia. Đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, mọi thứ chúng tôi giao lại cho thủy điện hết rồi. Đi đến một nơi ở mới với bao nhiêu biến cố. Giờ còn gì mà hi sinh nữa. Chỗ ở này, cái nhà này cũng sẽ sập lúc nào chưa biết. Ngày mai chúng tôi chưa biết sống thế nào, hỏi làm sao sẻ chia?”.

Không giấu vẻ thất vọng, bà Nguyễn Thị Huyền Thi - giáo viên Trường THPT Bắc Trà My - cho biết đã nghe đài truyền thanh huyện đọc nguyên văn bài phỏng vấn ông Hải trên báo Tuổi Trẻ. “Thất vọng là bởi cách suy nghĩ của nhà đầu tư e rằng quá đơn giản và tôi có cảm giác họ chỉ biết họ, chỉ biết bảo vệ quyền lợi của họ, còn người dân với trăm mối lo toan thì họ không đề cập. Điều người dân chúng tôi cần hơn cả là liệu khi động đất lớn hơn xảy ra thì đập thủy điện có an toàn không?” - bà Thi nói.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong bày tỏ: “Tôi không đồng tình với ý kiến của ông Hải. Bao nhiêu việc xảy ra với người dân. Bao nhiêu chuyện đến với địa phương từ ngày có thủy điện, đòi hỏi người dân hi sinh gì nữa. Hi sinh cho đất nước này thì dân Bắc Trà My có tiếc gì, nhưng vì một cái thủy điện, vì một doanh nghiệp gây xáo trộn đời sống chúng tôi hỏi còn gì hi sinh nữa”.

 TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/513249/Ngo-ngang.html



Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

tưởng nhớ một người thầy



Tưởng nhớ một mgười thầy trong Đạo: Tì kheo Thích Minh Châu
Giáo sư Trần Ngọc Ninh

Tôi được biết tin Tỳ kheo Thích Minh Châu đã viên tịch ở Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 2012, thọ 95 tuổi.

Tin báo đến không trực tiếp hay qua dây nói, mà từ hai người báo tin mà tôi coi như em trong lòng, đã không muốn làm rộn tôi những tháng năm mai danh ẩn tích cuối đời. Nhưng trong thực tế, cái nghiệp dạy học của tôi không dứt được. Tôi ngưng sự giảng dạy y khoa và bỏ nước, bỏ tất cả cái sự nghiệp nghiên cứu và truyền thụ y học vô tận khi được lệnh phải hạ thấp cái học và cái biết của các y sĩ tương lai xuống mức độ bệnh kiết lị, bệnh sán lãi (mà người ta gọi là y tế nhân dân). Tôi rũ bỏ hết, chỉ đội một cái nón lá trên đầu mà xuống thuyền vì tôi nghĩ rằng nếu tôi đi tu thì phải tới được Chánh Đẳng Chánh Giác dầu có phải qua vạn kiếp khổ, nhưng bảo rằng ngừng thì không, không và không. Sự biết lỏng là đầu mối của rất nhiều khổ đau. Lúc ấy, tôi chỉ mới tu được có mười năm.

Mười năm trước là cái duyên gặp gỡ của tôi với Thượng tọa Minh Châu

Trước đó nữa, tôi chỉ được nghe nói rằng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ở chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn, nơi mà anh tôi Trần Ngọc Lập, bút danh Trần Việt Sơn, có được mời tới giảng dạy, về pháp gì trong Đạo Phật tôi cũng không biết; rằng ở trường có hai vị Thượng tọa đã đậu Tiến sĩ Phật học ở Tu viện Nalanda Ấn Độ, lúc ấy đang là Giáo sư. Một trong hai vị này và là người đầu tiên trong thời nay đã đi chiêm bái, tu học và thỉnh kinh từ Thiên Trúc về ViệtNam, là Thượng tọa Minh Châu.

Đạo Phật đã sinh ra ở Ấn Độ, chính thức là do Đức Cồ Đàm (Gotama) mà ta tôn thờ là Phật tổ Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) nhưng ngài chỉ xưng danh là Tathagatha Đức Như Lai, là “Đã Đến“. Ngài là Đã Đến, là Như Lai, trước hết là vì trước Ngài, đã có hằng ha sa số Phật, mỗi Phật đã chỉ xuất hiện trong một chớp mắt ở một hạt bụi của vũ trụ (như trái đất), ở đó sự sống đã làm thành những sinh vật gọi chung là “Con Người” đã đạt được những khả năng đi vào đường Đạo mà thoát khỏi cái khổ phải bám vào những cơ cấu của vật chất để tưởng rằng mình có một cái “Tôi“, một bản thể, một Être, một Sein, một Being, một không tưởng vô thường.

Đức Phật gọi “Cõi người ta” là cõi Ta-bà (Saha) nó chỉ chứa sự sống cho tới khi nào mặt trời hết nguyên liệu để cho nổ liên tục những trái bom nhiệt hạch (Thermo-nuclear bombs). Ở những Thế giới khác, những Lokadhatu mà Ni I.B.Horner dịch là hệ thiên hà (galactic system) chứ không phải là hệ định tinh như hệ mặt trời (solar system), có thể trong một kiếp (kappa), một a tăng kì kiếp (asankheyya) một đại kiếp (Mahakaffa), tính bằng triệu, tỉ hay nghìn tỉ năm mặt trời của cõi Ta-bà, may mắn lắm thì có một Đấng Toàn Giác xuất hiện thành Phật và dạy người đời để bước vào Chánh đạo. Kinh Buddavamsa (Phật phả) nói rằng trong khoảng bảy vô lượng kiếp này đã có Đức Difankara (Nhiên Đăng) là Đức Phật thứ bốn; ngài đã thụ kí cho một thầy tu kín tên đời là Sumedha (Thiên Huệ) đã rời lều cỏ bay đến xõa tóc và nằm phục dưới chân Phật để cầu có thể đốt cháy được hết các chấp kiến không cho mình ngộ được Bồ đề Toàn giác.

Qua đi một trăm ngàn kiếp và vô lượng kiếp với hai mươi ba đời Phật, Đức Sumedha đã thành một Bồ tát (Bodhisatta) có tên đời là Narada và đã từ cõi trời Đâu-suất Tusita xuống cõi trần đầu thai làm người với cái tên là Gotama, thành đạo, đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Anuttara Samyaksambodhi, A-nậu-đa-la Tam-miệu (muội) Tam bồ đề). Nhưng Bồ tát vẫn giữ nguyên cái thân phận con người, bố thí tất cả cuộc đời còn lại của mình để dạy những ai muốn theo; hàng năm đi chân không từ Bắc Ấn xuống Nam Ấn rồi lại ngược lên trước mùa mưa gió, vào sâu trong các làng để khuyến giáo và khất thực trước khi ngồi thiền và giảng giáo lý cho các Tì kheo và Tì kheo ni (nữ đệ tử) của Sangha (Tăng-già, Giáo hội) mà ngài đã cho phép lập nên.

Đức Phật còn tự xưng là Như Lai, đã đến với các môn đồ vì một lý do nữa: là vì có những người đưa ra những nghi vấn về gốc nguồn, về thập thế, về sự tử sinh của Ngài, Phật là người hay là Pháp và có còn hay là mất khi thân hình đã tịch diệt? Như Lai đã đến thực và ngồi đó, nói đó, không phải hỏi đến cái đã qua và cái chưa tới trong cái Thời vô thủy vô chung không bao giờ hết Giáo pháp. Thời của Phật giáo là cái vô hình tướng do các sát-na (Ksama) nối tiếp nhau, có từ trước vụ Nổ Bùng lớn “Big Bang”, nên không gọi được là “thời gian” vì không có giới hạn như “không gian” (space) của vũ trụ hay “thế gian” (world) của người đời.

Tôi được gặp Thượng tọa Thích Minh Châu lần đầu là trong một buổi lễ rất ngắn tại Bộ Quốc gia Giáo dục, đường Lê Thánh Tôn vào năm 1967. Tôi ghi lại theo cái trí nhớ đã đứt khúc trong tuổi già của tôi. Thượng toạ, mặt tròn như trăng rằm, mình mặc một tấm áo cà sa vải vàng, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi đại diện cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa trong tư cách Tổng ủy viên Văn hóa Xã hội kiêm Ủy viên Giáo dục, cùng với Ông Ngô Trọng Anh, Ủy viên Công chánh của Chính phủ. Chúng tôi ký cái hợp đồng cho Giáo hội thuê cái cơ sở mới xây bởi Bộ Công chánh trong một thời hạn là 99 năm có thể tiếp diễn, với cái giá tượng trưng là một đồng bạc. Cái Hợp đồng hôm ấy là bản khai sinh của Viện và Trường Đại học Vạn Hạnh.




Hòa thượng Thích Minh Châu
Ảnh http://hoangphap.info/MainPage.aspx?SubID=1&ID=1

Thượng tọa cho tôi biết là Trường Vạn Hạnh đầu tiên sẽ chỉ có hai phân khoa, là Phật học mà Khoa trưởng là do chính Thượng tọa giữ trọng trách, và Khoa Kinh tế xã hội hay Khoa học nhân văn, sẽ nhờ Giáo sư Tôn Thất Thiện làm Khoa trưởng. Những bước đầu sẽ rất là khó khăn, tôi đồng ý nhưng không dám có một lời đóng góp, tuy tôi đã có học về lịch sử các Đại học Âu châu từ thời Phục hưng qua cách mệnh Pháp về những biến động của thời nay, lại đã trải qua công cuộc canh cải nền Giáo dục Đại học Y khoa VN từ 1954 đến 1965. Về tinh thần, triết lý, giáo pháp của Phật giáo thì thực sự là khi ấy tôi mù tịt. Vả lại, lúc đó, tôi cũng còn đang điên đầu về sự xây dựng lại cái hạ tầng cơ sở của nền Giáo dục Quốc gia và việc nâng cao sự học trong nước để có thể cộng tác và cạnh tranh (hai mặt song song) với Quốc tế. Công việc ở bệnh viện và ở Trường Y khoa Sài Gòn tôi cũng không thể rời bỏ được nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các Bác sĩ cộng tác viên lại có thêm GS. P. Petit, một thầy cũ của tôi, từParissang dạy đỡ, nên tôi chỉ về bệnh viện những ngày Chủ nhật khi Bộ Giáo dục đóng cửa.

Nhưng ba tháng sau khi rút ra khỏi được Bộ Giáo dục và Tổng bộ Văn hóa Xã hội, thì một buổi sáng nọ có người cầm một bức thư của Thượng tọa Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh đến, mời tôi lại Viện, có việc muốn tham khảo. Ông muốn tôi làm một Giáo sư của Viện. Môn gì, ông bảo để tùy tôi chọn. Nhưng tôi chưa từng đọc một câu kinh, nghe một câu kệ và cũng không bao giờ tự mình vào trong cái chùa nào để lạy (lễ) Phật. Mà từ chối mãi không tiện, tôi đành phải nhận một giờ mỗi tuần với một đề tài mà tôi nghĩ rằng sẽ nói tự tâm vì không có sách, là “Khoa học với tôn giáo”, nhưng tôi sẽ chỉ nói về “Tôn giáo trước khoa học”. Nói cách khác, đây là vấn đề “Đạo lý của khoa học”.

Chuyện dạy học của tôi ở Đại học Vạn Hạnh là một Đại học Phật giáo còn có lắm chuyện éo le hay là oái ăm nữa. Tôi không sợ sự tùy tâm và không có sách, là vì từ tuổi nhỏ cho đến khi lớn, cha mẹ và các thầy không dạy mình cái gì thất đức; lúc đã thành người học y khoa, lại thấy tận mắt sự tàn ác của những con người học lầm hay hiểu lầm những học thuyết và những khoa học văn minh, thì đã biết, tự biết. Mà “biết” là /bodh/ diễn thuật từ Sanskrit (Phạn ngữ), căn của danh từ Buddha. Sự biết này không ở trong sách, không ở ngoài tâm. Khoa học của loài người đã lên cao lắm nhưng khoa học mà không có tâm là sự tàn phá của tinh thần.

Sau một năm dạy về khoa học và tôn giáo, tôi dạy về tôn giáo sơ khai và tôn giáo tiền sử, tức là một chương lớn của khoa học tôn giáo. Rồi tôi bị bệnh nặng, liệt giường gần hai tháng. Lúc hồi phục, phải dùng sách và viết bài, tôi dạy Lịch sử Văn minh (của loài người) rồi dạy Lịch sử Văn hóa Việt Nam khi tôi đọc về Ngữ lý Việt ngữ (Linguistique Vietnamienne). Chẳng có một mảy may gì là đạo Phật. Vì khi ấy tôi đã [chưa?] bước vào Đường mà Đức Phật đã chỉ để tới Mặt Trăng. Và vượt Mặt Trăng.

Tì kheo Thích Minh Châu là người đã đẩy tôi lên con đường mà từ đó tôi không ra khỏi

Hai tháng trước ngày Phật Đản, Thượng tọa Viện trưởng tìm tôi và thỉnh tôi diễn giảng về cốt tủy của đạo Phật tại Đại Giảng đường của Viện. Tôi được giải thích rằng đây là lễ Vesak (Tam hợp), không chỉ là ngày Phật Đản sinh, mà là gồm ba ngày là ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày nhập Bát-Niết-Bàn ngày quan trọng nhất của Đạo.

Càng quan trọng thì lại càng không đến cái thứ tôi. Bao nhiêu người giỏi trong Viện cũng như ngoài Viện, tại sao không thỉnh lại gọi đến một anh mù kinh. Tôi không biết gì cả, cái vỏ không có, biết gì đến cái lõi mà nói. Thượng tọa bảo tôi vào thư viện của trường, có khi Phật độ, thấy được chăng?

Nói đến thư viện thì tôi động lòng hiếu kỳ, muốn thấy tận mắt xem thư viện có được bao nhiêu quyển, so với Tứ thư, Ngũ kinh của Khổng mạnh và Nho gia thì được mấy phần, còn đọ với Thư viện Vatican thì chẳng cần nói cũng biết rằng chỉ là lửa đom đóm bên cạnh mặt trời. Tôi tìm đường vào thư viện, cửa mở không khóa. Ở trong, là một cái phòng lớn, đèn thắp sáng ngày đêm, ở góc có một cái bàn nhỏ, có một cô dáng người mảnh mai, mình bận áo ni cô xám, đang ngồi đọc hay dịch kinh. Tôi bước lại, tự giới thiệu, và cô nói “Dạ, thưa tôi biết. Giáo sư cần gì, tôi là Trí Hải, thủ thư của thư viện“.

Tôi học ở Pháp và đã đến những thư viện lớn nhất của nhiều nước, ở nhiều tỉnh và biết rằng thủ thư của một thư viện thường là một học giả am tường rất nhiều điều trong các sách của thư viện. Tôi hỏi cô Trí Hải ở đâu tôi có thể tìm được những lời dạy quan trọng nhất trong Giáo pháp của Đức Phật mà không bị người đời sau trích dẫn hay dịch thuật sai đi. Cô Trí Hải cho tôi biết rằng Thượng tọa Viện trưởng đang dịch Kinh tạng Pali, đã xong hai quyển đầu là Trường bộ kinh (Majjihima-Nikaya), và thư viện còn có những bản dịch Anh văn, Đức văn, Pháp văn và nhiều ngôn ngữ khác (Hoa, Nhật, Hàn, Nga…) tôi là Giáo sư thì có thể mượn sách về nhà để nghiên cứu, cô nói là “tụng niệm”. Đột nhiên tôi nghĩ rằng trong một Giáo lý thì không có một điểm nhỏ nào không hệ trọng, nhưng có một điểm nhỏ trọng đại nhất là điều cuối cùng mà Đức Phật nói ra với các môn đồ trước lúc Người rời cõi trần. Tôi hỏi cô Trí Hải có biết Kinh hay Sách nào nói về những ngày tận cùng của Đức Phật không, thì cô nói ngay “Kinh Đại Bát-Niết-Bàn viết rất rõ“, và cô lấy ra cho tôi cuốn Trường bộ Kinh đầu với bản dịch Anh văn và bản dịch Pháp văn, để tôi đem về và đối chiếu.

Tôi tìm thấy rằng Đức Phật đã bảo các học trò:

“Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác“. Và Ngài còn nói thêm “Trong năm trăm Tỷ kheo này, Tỷ kheo thấp nhứt cũng đã chứng minh được quả Dự lưu, không còn đọa lạc, chắc chắn sẽ hướng đến Chánh giác (Sambodhi)”.

Thực là những lời khuyến khích và an ủi mạnh mẽ và tươi mát nhất của Đấng Đại Từ Đại Bi cho tất cả các môn đồ đang buồn rầu và lo lắng vì bậc Đạo sư tối cao sắp vĩnh viễn lìa trần mà bản thân mỗi người thì còn đang ngụp lặn trong bể khổ không bờ. Tôi lúc đó, nhìn khắp nước Việt Nam, chỉ thấy những người quê mùa vô tội đang bị lột trần để quay trên lửa đỏ, nhìn ra ngoài thế giới cũng chỉ thấy những người lo lắng và bất lực trước sự đe dọa của một cuộc chiến tận thế. Còn chính mình thì mới chỉ được một giọt nước rớt xuống từ một cành dương liễu mảnh mai. Những câu nói trên mà tôi thấy trong kinh Đại Bát Niết Bàn của Trường bộ Kinh, tôi mới chỉ hiểu một cách mập mờ và dịch ra tiếng ta đời nay, đại khái là “Tâm Trí của mỗi người, một khi đã được mở ra với Chánh pháp, thì đã là một với Chánh pháp, và là ngọn đèn chỉ con đường sáng, cứ vững lòng, tất cả mọi người đều sẽ tới nơi“.

Thượng tọa Viện trưởng ngồi nghe tôi nói không thốt một câu. Nhưng rồi năm sau đến ngày Phật Đản, tôi lại có một lời yêu cầu nữa. Tôi đăng đàn và nói về Bát Chánh Đạo, con đường tu tám lằn song song mà tôi ví với cỗ xe tám ngựa, nhưng cả tám con ngựa ấy đều chỉ là ta: Nhìn thế nào, phóng thế nào, chạy thế nào, cân bằng thế nào, thở thế nào, tu thân thế nào, chú tâm thế nào, quyết chí thế nào, phải theo đúng lời dạy. Thượng tọa tiễn chân tôi chỉ nói rằng ít ai dám giảng Bát Chánh Đạo. Tôi nói rằng tôi chỉ mới học mà thôi.

Nhưng năm sau, cái đầu đề còn khó hơn nữa. Thượng tọa muốn tôi nói về triết lý Cổ Ấn trong thời Đức Phật.

Buổi đầu tôi nói chuyện ở Viện Đại học Vạn Hạnh, có chừng ba bốn chục người đến nghe, tất cả đều lễ phép, không ai bỏ ngang về. Buổi thứ nhì, được năm sáu mươi, với vài vị sư áo vàng. Buổi thứ ba, nói về triết học Cố Ấn tôi rợn tóc gáy vì Đại Giảng đường chật ních vào khoảng bảy trăm người, với một đề tài rất khô khan khắc khổ mà tôi làm thành một giáo trình cẩn trọng để cho chính tôi.

Thượng tọa Viện trưởng kiên nhẫn ngồi nghe với các thính giả và phê bình rằng bải giảng của tôi giống như một bài giảng của một vị thầy của Đại học Nalanda, nơi Thượng tọa học. Điều này không có gì lạ cả, là vì tuy các sách triết Ấn của GS. Dan Guita và của triết gia Radhakrishnan (link: http://en.wikipedia.org/wiki/Sarvepalli_Radhakrishnan) chỉ nói rất sơ sài về tư tưởng Ấn thời Đức Phật, nhưng kinh Brahmajala, dịch là Phạm Võng, là cái lưới trời mà chính Đức Phật nói cho Tăng già, đã nói hết cả. Triết học trói buộc con người vào sự khổ đau vĩnh cữu.

Bài diễn giảng cuối cùng cho ngày Vesak của tôi tại Đại học Vạn Hạnh là về “Tư Tưởng xã hội của Đức Phật“. Khi nhận đề tài này, tôi ngơ ngẩn vì chưa hề nghe thấy một người nào hay đọc được trong một cuốn sách nào của Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga về Đức Phật xã hội. Nhưng tôi được biết rằng sau khi đã bị tất các Đạo lớn từ chối, Tiến sĩ người Ấn độ Ambedkar đã được Phật giáo, khi mới trở lại quê hương Ấn Độ, cho phép làm một buổi lễ lớn nhận một triệu người cùng đinh bị ruồng bỏ được quy y Phật, và chính ông cũng bỏ đạo cũ để thờ Đức Phật. Rằng Phó thủ tướng Anh và Chủ tịch Đảng Xã hội là Atla, sau khi đi dự Đại hội của Đảng Xã hội Miến (Myanmar, tức Burma), đã tuyên bố rằng có một đảng xã hội Á châu đặt chủ thuyết trên lòng từ bi của Đức Phật và bỏ thuyết tranh đấu giai cấp, rằng chính sách kinh tế của Canada nói rằng chủ trương trung đạo theo Giáo pháp (Dharma) của Đức Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng để diễn giảng về tư tưởng xã hội của Đức Phật thì là một chuyện khác. Tôi lại về nhà và mỗi tối đọc cho hết năm bộ của Kinh tạng để nhặt ra những lời dạy của Phật tổ về những chế độ và tập quán trong xã hội Bà La Môn Giáo. Và tôi sáng mắt lên [trước] những ý tưởng tân tiến của Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác hơn hai ngàn sáu trăm năm trước.

Bài giảng của tôi năm ấy đã được GS. Trần Văn Từ dịch ra Anh văn, rồi lại được bà Celia Barclay, một nữ sĩ Anh dịch lại rồi lưu truyền trong Đạo Quaker là một Giáo phái Thiên chúa giáo rất uy tín ở Anh Quốc. Tôi cũng dùng bài này làm nền móng cho một cuốn sách nhỏ của tôi, tựa đề là “Đức Phật giữa chúng ta“. Tôi nghĩ rằng thế giới hiện đại có thể được sáng hơn (enlightened) nếu được nghe lại những lời Phật dạy.

Trong những năm này, ngày đêm tôi học Phật và Đức Như Lai vẫn đến với tôi ngoài những lúc tôi phải hành cái nghiệp trong y học và y khoa của tôi. Tôi không được học với Thầy Minh Châu một giờ một khắc nào, nhưng Thầy đã là người tiếp dẫn tôi đến chân Đức Phật, chỉ có năm bước đường và theo đúng lời dạy tối hậu của Người, “Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa“.


GS. Trần Ngọc Ninh

GS. Trần Ngọc Ninh
Nhưng những ước mong của tôi chỉ là vọng ảo. Hiệp địnhParislà kế hoạch chót để làm vỡ Thế giới Đỏ và gây một chiến cuộc mới giữa răng và môi, đồng thời lại thoát thân ra khỏi một vũng lầy chưa bao giờ bị.

Tôi còn gặp lại vị Thầy cũ trong Đạo khi phải ở lại vì những xiềng xích của định mệnh. Năm 1977, Đại học Vạn Hạnh đã bị giải thể, một buổi sáng Chủ nhật tôi đang ngồi đọc truyện giải buồn thì Thầy Minh Châu được chở đến nhà tôi trên một chiếc Honda. Thầy kể rằng Thầy đã về ở Thiền viện Vạn Hạnh tại Phú Nhuận, mỗi ngày thức giấc từ 5 giờ sáng, xuống vườn đi vòng quanh chừng một tiếng đồng hồ rồi trở về tắm gội, ngồi thiền, xong thì ngồi dịch Kinh cho đến tối. Việc dịch Kinh đã thuần thục lắm, chữ nghĩa đã thông thuộc, nhiều khi đọc một câu tiếng Nam Phạn (Pali ngữ) thì tay đã viết ngay câu tiếng Việt.

Thầy đã dịch xong thêm một quyển Tiểu bộ Kinh (Samyutta Nikaya) và muốn tôi đến giới thiệu tập kinh mới với các Phật tử. Lúc ấy, hàng ngày tôi phải đối đầu với những người của chế độ mới để bảo vệ sự học của các sinh viên y khoa và giữ gìn sự an ninh của các bệnh nhân của Bệnh viện nên từ chối và nhắc Thầy rằng Viện Đại học còn có những Giáo sư lớn như Cụ Nguyễn Đăng Thục và GS Vũ Văn Mẫu, xin Thầy thỉnh các vị. Tuần sau, Thầy Minh Châu lại đến cùng với Thầy Hộ Giác, cho tôi biết rằng Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ đến dự buổi ra mắt Bộ Kinh, và hai Giáo sư Nguyễn và Vũ đều không đến, nên nhất định tôi phải có mặt. Tôi đã đến và giảng về Trung Đạo, cái Đạo Giữa của Đức Phật, từ chối những Đường cực đoan. Sau bài giảng, tôi về thẳng nhà và hai tháng sau, bỏ lại hết mọi phiền trọc, cắt đứt mọi kiết sử, vượt biển tới Cù lao (Pulau) Besar để chờ ngày đầu thai ở một cõi sống khác.

Thầy Minh Châu vẫn gửi các Kinh sách của Thầy viết và Kinh tạng dịch từ Pali, bản luận án Tiến sĩ vể Trung bộ Kinh, cuốn tóm lược A-tì Đạt Ma (Abhidhamma), cuốn Tiểu sử Huyền Trang, cuốn Đốt đuốc lên mà đi… sách nào tôi cũng đọc hết, nhập tâm và quên đi.

Tôi tiếp tục đi trên con Đường đã dài hơn hai ngàn sáu trăm năm của Phật pháp. Không còn Thầy, tôi vào Trung luận với Long Thọ (Nagarjuna), vào Duy thức với Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu), vào Thiền Hoa Nhật và Mật tông, không quên các vị ngoại đạo là Lão Tử, Trang Tử, Patanjali, Sankara như Thượng tọa Minh Châu đã muốn tôi làm, và luôn luôn thắp sáng ngọn đuốc tâm mà Đức Phật đã nhóm lên cho mỗi môn đồ khi ngài nhập Đại Bát Niết Bàn

T.N.N.

9/2012

LGT (VB): Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Thạc sĩ Y khoa* Ðại học Pháp, nguyên Giáo sư môn Văn minh Ðại cương và Văn hoá Việt Nam tại Ðại học Vạn Hạnh (Sài Gòn), nguyên Tổng trưởng Văn hoá Xã hội và Ðặc trách Giáo dục trong Chính phủ VNCH; nguyên Viện Trưởng Viện Việt học (California), 3/2003-2/2008.

Ghi chú (*):

Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, [và ngay ở Pháp và châu Âu trước đây], học vị “Thạc sĩ” là một học vị chuyên môn trên Tiến sĩ, dành cho những Tiến sĩ muốn làm Giáo sư đại học (tiếng Pháp: professeurs agrégés des universités).

Nguồn: http://sachhiem.net/VANHOC/TranNgocNinh.php

nguồn:  http://www.boxitvn.net/bai/41325

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

chiệng nhỏ


Securency 'chi tiền mua dâm cho đoàn VN'

Cập nhật: 15:16 GMT - thứ ba, 11 tháng 9, 2012

 Bê bối Securency dính líu việc in tiền polymer ở Việt Nam

Một phái đoàn viên chức chính phủ Việt Nam được trả tiền để mua vui với gái bán dâm trong bê bối hối lộ in tiền polymer, theo lời một nhân chứng trong phiên tòa ở Úc.

Tám cựu lãnh đạo của hai công ty, Securency và Note Printing Australia, đang hầu tòa vì cáo buộc lập quỹ đen và chi hàng triệu đôla để có hợp đồng in tiền ở các nước châu Á, gồm cả Việt Nam.

Ra tòa hôm 6/9, một nhân chứng kể lại vào cuối năm 2007 và giữa năm 2008, ông gặp một đoàn gồm 10 đến 12 viên chức Việt Nam, được công ty Securency đặt cho bí danh “Beanland”.

Ông Gary Power, giám đốc kỹ thuật của Securency, nói với cảnh sát rằng một vị trong đoàn “cho hay buổi tối hôm trước, họ đã thăm các cô gái bán dâm, mà chi phí được ‘ông John’ trả… Tôi không kéo cuộc trò chuyện này đi xa hơn.”

‘Ông John’ ám chỉ David John Ellery, cựu Giám đốc Tài chính của Securency, đã thoát án tù hồi tháng Tám sau khi chấp nhận hợp tác điều tra về vụ bê bối.

Nhân chứng Gary Power nói thêm: “Tôi còn nhớ viên chức này nói ông ta thích một cô gái bán dâm tóc vàng.”

Ông Power, đã làm cho Securency từ năm 1999, nói đó là “khoản chi phí kỳ cục duy nhất” mà ông nghe là Securency đã trả cho đoàn Việt Nam.

Nhưng ông cũng nói mình từng thấy “nghi ngờ và bất thường” khi được kể về việc con trai ông Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được học bổng tại Đại học Durham của Anh.
Trong bản khai, ông nói một lãnh đạo của Securency, Bill Lowther, có quan hệ với Đại học Durham.

Ông cũng nói với tòa rằng phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, được công ty Úc đặt cho biệt danh là “Suzy mắt đen” (black-eyed Suzy).

Luật sư của một trong các bị cáo, Mitchell Anderson, nói “không có gì gian trá” về các biệt danh.

Tám người từng giữ các chức vụ lãnh đạo ở công ty Securency và Note Printing Australia đã ra tòa hôm 14/8 để nghe chứng cứ chống lại họ trong vụ án tiền polymer.

Phiên nghe lời khai tại tòa án Úc vẫn đang tiếp tục.

nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120911_securency_sex_allegation.shtml