Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

ngậm... mà nghe




Hôm nay lên Suối Giàng.
Posted on 18/10/2011
Sáng nay, lần đầu tiên lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ. Vào tuổi này, có lúc chợt lo là nhiều cái lạ ở đất nước, mình đã nghe, biết từ lúc còn là trẻ con, mà giờ chưa nhìn thấy tận mắt. Vậy có thời gian thì phải đi để biết. Nhưng quả thật thời gian là cái gần một năm qua mình có ít nhất.Cứ tiếp tục thế này thì cũng gay đây. Gọi cho Tiến Trọc, rủ đi cùng. Tiến Trọc chối đay đảy, rằng vừa lang thang một tháng (thằng cha này số sướng)ở Tây Nam bộ, nay phải cày kịch bản bù . Thì thôi vậy !



Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê. Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên, cho biết : Trường tiểu học có 80 đứa nội trú. Phải có từ 100 đứa nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi  tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ  lục vấn mãi : Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì ?. Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác người Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo : Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó . Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa , ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa. Một loại bát như nhau. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.

Hỏi : 80 đứa chỉ ăn  cái nồi cơm này đủ à ?. Bác H Mông nói : Nồi to lắm đấy, 13 -14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi : Thế ăn cơm với cái gì ? – Với canh rau…. Bây giờ mới nhìn ra chỗ tôi tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa . Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi : Sao ít rau thế? – Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy . Thế có thịt cá ăn bao giờ không ?- Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.



Một nồi cơm ( hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải ( gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, chắc ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa – nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng ?). Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Là sau một năm tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là năm đầu của nhiệm kỳ Đại Hội 11…vv..và ..vv..

Bọn mình nói : Trưa nay bác mua thịt cho chúng nó ăn được không?. Bạn mình đưa ít tiền. Mình đưa thêm nữa, hỏi: Đủ mua thịt chưa?. Bác người Mông : Đủ chứ, đủ chứ. Chốc nữa lên xem chúng nó ăn thịt mà.. Nói xong bác đi xuống chợ ngay, hình như chợ gần thôi, ở mé núi bên kia.

Lúc đi xuống, cậu lái xe, vốn ít nói, văng ra : Mẹ, ăn uống thế này trẻ con sống thế  nào được !

... ... ...

Trần Đăng Tuấn


http://trandangtuan.wordpress.com/2011/10/18/hom-nay-len-su%E1%BB%91i-giang/



   Thư ngỏ từ Thái Thùy Linh gửi những người quen và có thể chưa quen

Thưa các bạn,
Cách đây 02 tuần, tôi có dịp tham gia cùng đoàn từ thiện của một tờ báo, cùng với các nhà hảo tâm đến thăm và tặng quà cho các em học sinh dân tộc nội trú trường THCS Nậm Mười, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Chuyến đi đó, thật lòng, lúc đầu có lẽ chỉ đơn thuần là trang trí. Nghĩa là BTC các chương trình thường mời người nổi tiếng tham gia vào các sự kiện cho có cái để viết, để dễ thu hút sự chú ý của độc giả, để dễ mời các nhà hảo tâm khác tham gia, hay đóng góp tiền bạc.

Nhưng chuyến đi đó đã thay đổi đáng kể cuộc sống của tôi.

Những con số tôi biết được sau chuyến đi ngắn ngủi đã ám ảnh tôi từng giờ sau khi về Hà Nội. Tôi không phải là người dễ bày tỏ sự mềm yếu cho người khác biết. Nhưng sự thật là ngay đêm đầu tiên về nhà và nằm ôm con gái, tôi đã khóc. Nghẹn lòng khi nghĩ tới thằng cu Mấy hai tuổi rưỡi ở Nậm Mười, còn chưa bằng tuổi con gái tôi, ngày qua ngày ăn cơm độn sắn và một mình đi bộ 03 km đến trường. Đau lòng khi trẻ con ở Hà Nội, mỗi miếng ăn, mỗi ml sữa uống vào là mỗi niềm vui cho ông bà bố mẹ, trong khi ở vùng cao kia, 70 học sinh học sinh trung học cơ sở, khi tôi hỏi em nào đã từng được uống sữa, thì chỉ lác đác vài cánh tay giơ lên một cách rụt rè... Mới biết cái quảng cáo gì đó của Vinamilk mà có em Giàng A…mới 10 tuổi mà chỉ cao hơn cây chuối trước nhà, để vận động sữa cho trẻ em toàn cõi Việt Nam, thật là xa vời lắm! 6000đ một hộp sữa tươi, trong khi các em ở Nậm Mười chỉ có 1300đ để mua 02 bữa thức ăn cộng thêm một bữa cháo hành buổi sáng, thì liệu em nào sẽ có tiền mua sữa?

Tôi đã quay trở lại Nậm Mười sau chưa đầy hai tuần. Không phải với tư cách một người nổi tiếng.

Cùng với bốn người em, người bạn là dân nhiếp ảnh, chúng tôi đã có 03 ngày làm việc quần quật theo đúng nghĩa, lấy số liệu, chụp ảnh, ghi hình một cách chân thực nhất thực trạng cuộc sống, sự ĂN và HỌC của các em học sinh bán trú ở Nậm Mười, từ mầm non, tiểu học đến THCS, làm tư liệu chuẩn bị cho một chiến dịch vận động lâu dài mà tôi sẽ trình bày trong ít ngày tới đây.

Nhưng, ngay lúc này, có một sự thật, có một việc cần có phương án giải quyết ngay: 100% học sinh dân tộc tại xã Nậm Mười đang thiếu áo rét.

Không một em học sinh nào mà tôi gặp có đến cái áo rét thứ 02! Chỉ có hai phương án, một là có một cái, hai là không có mà thôi. Và thực trạng này có lẽ là không chỉ Nậm Mười. Tôi đã nhờ các thầy cô giáo làm một cuộc điều tra nho nhỏ tại trường THCS Nậm Mười. Cô giáo ghi lên bảng và học sinh điền vào tờ mà tôi tạm gọi là “điều tra gia cảnh” như sau:

1. Họ và tên:                              Lớp:
2. Địa chỉ nhà:
3. Có mấy anh chị em? Mấy người đi học?
4. Bố mẹ làm nghề gì?
5. Có phải ăn cơm độn k? Nếu có thì mấy tháng trong một năm?
6. Bố mẹ đã từng bắt nghỉ học chưa? Vì sao?
7. Nếu được trợ giúp, em muốn được giúp đỡ gì? (đánh số từ 1 – 5 theo nhu cầu nào cần hơn)
a. Đóng góp tiền thức ăn 10.000đ/tuần
b. Góp 03 kg gạo/tuần
c. Không phải vác củi đến trường
d. Mỗi ngày ăn một bữa thịt
e. Có quần áo ấm để mặc
Kết quả:
Trong 187 em học sinh đi học ngày thứ Sáu 04/11/2011 (trên tổng số 246 HS), có 74 em chọn được hỗ trợ “Quần áo ấm” là số 1; 64 em chọn “Tiền ăn” là số 1; 48 em chọn “Gạo” là số 1; 4 em chọn “Củi” là số 1 và chỉ có 01 em duy nhất chọn “Thịt” là số 1.
Từ thực tế những ngày ở Nậm Mười, tiếp xúc với các thầy cô giáo, các em học sinh, vào nhà dân ở các bản, tôi xin phân tích như sau:
·         Phần lớn các em đều thiếu quần áo ấm. Đặc biệt là áo len, áo khoác.
·         Những em chọn số 1 “Tiền ăn” là những em nhà khó khăn, thường xuyên nợ tiền thức ăn 10.000đ/tuần góp cho nhà trường. (Trường THCS Nậm Mười có 173 học sinh bán trú nhưng hôm tôi có mặt ở Nậm Mười lần đầu tiên, thứ Bảy ngày 22/10/2011, thì nhà trường mới thu được 360.000đ học sinh đóng góp trong tuần đó)
·         Những em chọn số 1 “Củi” chắc hẳn là những em nhà quá xa. Tôi đã hỏi thăm một  học sinh bất kỳ, em nói nhà cách trường 16km đường rừng, em vừa đi vừa chạy trong 03 tiếng thì đến trường. Thôn xa nhất của Nậm Mười là Khe Trang, cách trường 22km.
·         Và chỉ 01 em chọn “thịt” là số 1 mà thôi.


Thái Thùy Linh
(Facebook)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét