Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Cụ bà Henriette Bùi


Cụ bà Henriette Bùi, nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam đã tạ thế ở tuổi 106

Đào Hùng

Bà Henriette Bùi sinh ngày 8 tháng 9-1906, là con gái thứ của Bùi Quang Chiêu, một chính khách nổi tiếng của Nam Kỳ, tốt nghiệp kỹ sư canh nông ở Pháp, đã từng lập đảng Lập Hiến năm 1919 và chủ bút các tờ báo La tribune indochinoise, L’Echo annamite  Đuốc nhà Nam. Thân mẫu là Vương Thị Y, thuộc một gia đình giàu có người gốc Hoa. Họ Bùi là người gốc Huế, nhưng sinh sống tại Mỏ Cày (Bến Tre) từ nhiều đời, đã vào làng Tây.
Bà Henriette sang Pháp du học năm 1921 lúc 15 tuổi, năm 1926 tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée Fenelon ở Paris. Năm 1927, bà theo học Đại học Y khoa Paris (Faculté de Médecine de Paris). Năm 1934, bà tốt nghiệp chuyên ngành sản khoa với lời khen xuất sắc của hội đồng giám khảo. Bà là người gốc Việt đầu tiên tốt nghiệp Đại học Y khoaParis khi 29 tuổi.
Trở về Việt Nam năm 1935, bà nhậm chức trưởng khoa hộ sinh ở Chợ Lớn. Trong năm 1935, bà lập gia đình với luật sư Vương Quang Nhường, Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên người Việt, cũng là đảng viên đảng Lập Hiến. Nhưng không đầy 2 năm sau, hai người ly hôn vì khác biệt trong cách sống. Sau đó bà sống cùng kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Paris (Ecole Polytechnique de Paris). Bà đã mở nhiều lớp đào tạo y tá và y sĩ ngành sản khoa cho toàn Nam Kỳ. Bà luôn yêu cầu tinh thần trách nhiệm xã hội cao, với tính cách độc lập, bà bị các y sĩ người Pháp gây khó dễ, nhưng vẫn đấu tranh cho quyền bình đẳng giữa người Pháp với người bản xứ. Tương truyền, bà từ chối mặc y phục Âu Tây để người Pháp kính nể hơn. Giới bác sĩ Pháp thời ấy nói rằng, nếu bà mặc y phục ViệtNam, người ta sẽ lầm tưởng bà là một “bà mụ đỡ đẻ” hơn là một bác sĩ sản khoa. Bà cương quyết từ chối, vẫn cứ tiếp tục hãnh diện trong bộ y phục ViệtNam của mình. Bà còn là người đi đầu trong cuộc vận động thay đổi lối sống của phụ nữ Việt Nam, là người đầu tiên mặc áo tắm đi bơi ở bể bơi công cộng, là phụ nữ đầu tiên đánh quần vợt ở Sài Gòn (trong khi ở Hà Nội bà Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên), bà còn tiếc là chưa kịp học lái máy bay!
Năm 1945, sau cuộc cách mạng giành chính quyền, ông Bùi Quang Chiêu cùng mấy người con, trong đó có người con gái út mới 16 tuổi, đều bị sát hại ở Mỏ Cày. Trong khi đó người bạn đời của bà là Nguyễn Ngọc Bích, tham gia kháng chiến, làm chỉ huy phó Khu IX Nam Bộ, bị Pháp bắt và kết án tử hình. Nhờ bà cùng các bạn bè ở Pháp vận động ráo riết đòi tự do cho ông Bích, bản án tử hình đã bị hủy, nhưng ông Bích bị buộc phải rời khỏi ViệtNam. Ông Bích sang Pháp dạy môn vật lý tại Đại học Y khoaParis. Năm 1950 bà sang Nhật học thêm môn châm cứu. Năm 1971 bà sang Pháp tiếp tục hành nghề y và sống với ông Nguyễn Ngọc Bích cho đến khi ông qua đời. Năm 1966 bà gia nhập một tổ chức từ thiện, trước khi tổ chức “Médecins sans Frontière” (Bác sĩ không Biên giới) được thành lập.
Mãi đến năm 1976 bà mới về hưu ở tuổi 71. Biệt thự tư gia của bà số 28 đường Testard được hiến tặng cho Trường Đại học Y khoa Sài Gòn (sau năm 1955 đổi là đường Trần Quý Cáp).
Cho đến tuổi 105, trong lần tiếp những người đến thăm tháng 6-2011, trí nhớ của bà vẫn còn khá tốt, sinh hoạt vẫn nhanh nhẹn, nhớ mặt nhớ tên những người bạn cũ, càng nhớ lâu những chuyện xa xưa thời còn trẻ. Nhắc đến chuyện gia đình, bà cho đó là chuyện lịch sử, hãy để cho lịch sử phán xét. Bà Henriette thường nói vui là “Tôi sẽ còn sống cho đến năm 121 tuổi”, ý nói để lập kỷ lục sống lâu trên đất Pháp, do một bà người Pháp giữ, sống đến 120 tuổi, vừa mất cách đây không lâu. Bà mất ngày 27 tháng 4 năm 2012 tại Paris, thọ 106 tuổi.

Đ. H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét