"điệu ca ngâm giờ thành khúc nghêu ngao, lần chia tay trong nhung nhớ hôm nào..."...
Tổng số lượt xem trang
Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012
tội cho dân
xin lỗi quý bằng hữu, hôm rày bận rộn túi bụi nên không có ý tứ gì để mà mần một vài câu "hài chắc cú" cho đỡ quạnh quẽ. Đành sao lại mấy bài viết của thiên hạ... cho bớt cay cú. Đường còn dài, sẽ còn nhiều điều thú vị để nếm trãi. Mong tất cả cứ bình an.
Thứ Tư, 26/09/2012, 09:01 (GMT+7)
Tội cho dân
TT - “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện!”. Đó là phát biểu gây “chấn động” của ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 - sau chuỗi động đất xảy ra, với lý do: “Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với người dân và mong người dân cũng phải chia sẻ cho chúng tôi”.
Một “chấn động” khác là trong cuộc họp ngày 12-9, tiến sĩ Ngô Thị Lư (Viện Vật lý địa cầu) đã chê dân là “quá kém hiểu biết, chỉ mới nghe động là đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy”.
Khi kêu gọi người dân chia sẻ thì chủ đầu tư cũng đã thoái thác trách nhiệm của mình đối với người dân bằng cách đánh bùn sang ao, khi cho rằng những ngôi nhà bị nứt kia chưa hẳn là do động đất mà do người dân xây tường mỏng, nền mỏng hoặc quá nông(?!). Nói như vậy cũng không khác nào trách người dân “kém hiểu biết”, khi xây nhà không đảm bảo chất lượng để xảy ra lún, nứt. Và bây giờ lại vin vào cớ động đất để bắt chủ đầu tư phải bồi thường, do đó theo lời ông Hải, khi xem xét bồi thường cho dân, đơn vị này sẽ “đánh giá một cách thận trọng”. Quả là chua xót khi người dân bị chủ đầu tư “đánh giá” như vậy!
Phóng viên một tờ báo khi trở lại Trà My thì người dân bảo họ bây giờ đang cô độc lắm. Mấy trận động đất trước nhỏ, nhưng bà con thấy đỡ lo vì có đoàn công tác của trung ương, của tỉnh vào kiểm tra. Còn bây chừ, động đất mạnh hơn, nhà cửa thì nứt, chỉ thấy chính quyền tập cho dân đối phó khi có thảm họa động đất xảy ra. Dân còn bảo trước khi triển khai thủy điện Sông Tranh 2, cán bộ ở tỉnh và Ban quản lý dự án thủy điện 3 đến họp dân tuyên bố hùng hồn, như một tờ báo mạng đã trích dẫn: “Xong thủy điện Sông Tranh 2, bà con ở Trà My không còn nước miếng đếm tiền”(?). Còn bây giờ, người dân nơi đây bảo họ quả thật không còn nước miếng nữa, vì họ đã kêu gào khản cả cổ rồi.
Khi di dời người dân để làm thủy điện, “bánh vẽ” được chủ đầu tư đưa ra làm mồi. Khi xảy ra động đất thì người dân lại trở thành nguyên nhân gây dư luận xã hội không tốt khi nhìn về thủy điện Sông Tranh 2 và kêu gọi người dân biết thân biết phận, biết hi sinh biết chia sẻ. Khi bồi thường cho dân, chủ đầu tư lại thận trọng vì biết đâu dân lại “lừa” mình. Cứ nghĩ về dân như vậy, quả là tội cho dân quá. Sống chung với động đất vốn đã khổ, nghe lời “nghịch nhĩ” dân càng khổ hơn.
NGUYỄN PHAN
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/513250/Toi-cho-dan.html
Còn gì nữa mà hi sinh!
173 là số phản hồi bạn đọc chỉ trong một ngày sau phát biểu của ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2: “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện!” (Tuổi Trẻ ngày 25-9). Bạn đọc bày tỏ sự bức xúc về cách trả lời của ông Hải. Bạn đọc cho rằng không thể nào hiểu được đến giờ phút này ông Hải vẫn có thể đòi hỏi dân hi sinh thêm trong khi họ đã chịu đựng và hi sinh quá nhiều.
Những người trong cuộc cũng hết sức bức xúc khi đọc phần trả lời của ông Hải. Bà Hồ Thị Xin - thôn 2, xã Trà Đốc, Bắc Trà My - phản ứng: “Tôi nghĩ ông Hải nói nhầm. Nói chúng tôi chia sẻ, còn gì nữa mà chia. Đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, mọi thứ chúng tôi giao lại cho thủy điện hết rồi. Đi đến một nơi ở mới với bao nhiêu biến cố. Giờ còn gì mà hi sinh nữa. Chỗ ở này, cái nhà này cũng sẽ sập lúc nào chưa biết. Ngày mai chúng tôi chưa biết sống thế nào, hỏi làm sao sẻ chia?”.
Không giấu vẻ thất vọng, bà Nguyễn Thị Huyền Thi - giáo viên Trường THPT Bắc Trà My - cho biết đã nghe đài truyền thanh huyện đọc nguyên văn bài phỏng vấn ông Hải trên báo Tuổi Trẻ. “Thất vọng là bởi cách suy nghĩ của nhà đầu tư e rằng quá đơn giản và tôi có cảm giác họ chỉ biết họ, chỉ biết bảo vệ quyền lợi của họ, còn người dân với trăm mối lo toan thì họ không đề cập. Điều người dân chúng tôi cần hơn cả là liệu khi động đất lớn hơn xảy ra thì đập thủy điện có an toàn không?” - bà Thi nói.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong bày tỏ: “Tôi không đồng tình với ý kiến của ông Hải. Bao nhiêu việc xảy ra với người dân. Bao nhiêu chuyện đến với địa phương từ ngày có thủy điện, đòi hỏi người dân hi sinh gì nữa. Hi sinh cho đất nước này thì dân Bắc Trà My có tiếc gì, nhưng vì một cái thủy điện, vì một doanh nghiệp gây xáo trộn đời sống chúng tôi hỏi còn gì hi sinh nữa”.
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/513249/Ngo-ngang.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét