Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Vua Hùng Vương




VUA HÙNG LÀ ÔNG TỔ CỦA 1 TRONG 54 DÂN TỘC HAY CỦA CẢ 54 DÂN TỘC Ở VIỆT NAM?

Lại Nguyên Ân

Mỗi năm, cứ gần tới ngày giỗ tổ Hùng Vương, nghe đài báo rầm rộ đưa tin các nơi chuẩn bị hành hương về đền Hùng, trong tôi cứ lớn dần một câu hỏi muốn cật vấn những người hiểu biết: Vua Hùng là ông tổ của 1 trong số 54 dân tộc ở Việt Nam hay là của toàn thể 54 dân tộc ở Việt Nam?

Tôi tin rằng, với những bộ óc bình thường, với sự hiểu biết bình thường, người ta đều có thể trả lời: vua Hùng chỉ được coi là ông tổ của một dân tộc Kinh (= Việt) thôi; dân Kinh (Việt) chỉ là 1 trong 54 dân tộc ở ViệtNam. Vậy 53 dân tộc còn lại đều có ông tổ riêng của mình, chứ không phải vua Hùng.

Chuyện “ông tổ” nói ở đây, tất nhiên là chuyện của truyền thuyết. Người ta không đòi hỏi truyền thuyết phải là sự thật. Trong cộng đồng dân tộc có truyền tụng một thuyết về một ông tổ chung thì người ta thờ chung ông tổ ấy, không đòi hỏi chứng minh bằng chứng cứ lịch sử (có đòi cũng không ai chứng minh được!). Mà dân tộc nào không có thứ truyền thuyết tương tự, thì như thế không có nghĩa dân tộc ấy không có một nguồn cội chung của họ.

Nhưng vấn đề là có “dân tộc” theo nghĩa sắc tộc, tộc người (như người Kinh, người Mường, người Thái, người Tày, v.v.) và “dân tộc” theo nghĩa là dân cùng một quốc gia (theo nghĩa này ta nói: dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào, v.v.).

Từ “dân tộc” khá dễ dàng bị lái hàm nghĩa, nhất là khi người ta cố ý.

Chẳng hạn, khi người ta gọi lễ giỗ tổ Hùng Vương là quốc lễ (như có người gọi “quốc giỗ” – một từ ngữ pha tạp rất khó lọt tai!), người ta đã ngầm coi vua Hùng như ông tổ của dân tộc theo nghĩa dân cùng một quốc gia. Điều này, trên thực tế, đã biến vua Hùng trở thành ông tổ chung của toàn bộ 54 dân tộc (= sắc tộc, tộc người) hiện sinh sống trên đất ViệtNam. Đó là một sai lầm cố ý, một trò lái hàm nghĩa, một sự lạm dụng.

Cần nói rõ: mọi người dân của 54 dân tộc sống trên đất ViệtNamđều mang quốc tịch ViệtNam, nhưng chỉ những ai là người của dân tộc Kinh (Việt) mới coi vua Hùng là ông tổ. Còn những người thuộc các dân tộc khác, tuy họ đều có quốc tịch ViệtNam, nhưng họ không phải là con cháu vua Hùng. Họ không cần về Đền Hùng lễ tổ mỗi dịp ngày mồng mười tháng ba hàng năm. Dư luận nên nói rõ sự thực này chứ đừng lạm dụng hàm nghĩa dân tộc để tập trung tất cả mọi dân tộc còn lại trên đất Việt, buộc họ hướng về Đền Hùng, buộc họ coi vua Hùng là ông tổ! Làm như thế tức là buộc họ phải coi tổ người Kinh như tổ dân tộc mình, phải theo lệ tục người Kinh, tức là đồng hóa họ vào cộng đồng người Kinh; đó chính là xem thường họ, xúc phạm họ.

Tôi biết, có người cho rằng dùng cách mù mờ từ chỗ nói vua Hùng là ông tổ dân Kinh (Việt) rồi dần dà biến vua Hùng thành ông tổ dân tộc, rồi lái nghĩa dân tộc từ sắc tộc sang hàm nghĩa dân cùng quốc gia! Ấy là cách xây dựng tâm thế cộng đồng dân tộc!

Tôi phản đối cách xây dựng tinh thần dân tộc theo lối lạm dụng, lợi dụng, bất minh ấy.

Phải từ chỗ tôn trọng bản sắc riêng, nguồn cội riêng mỗi dân tộc (= sắc dân) cùng sinh tồn trên đất Việt hiện tại để xây dựng ý thức cộng đồng.

Ta nên chú ý 2 hiện tượng trái chiều: trong khi ở những nước có rất ít sắc tộc, ví dụ nước Đức, người ta đã tận dụng hiện tượng mới của thế giới hiện đại là hiện tượng nhập cư, nhân việc có thêm những sắc dân khác đến xứ mình sống chung trong cộng đồng để xây dựng xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa; thì ở Việt Nam, có xu hướng ngược lại, ta đang dùng cách mở rộng các thần tượng của một dân tộc đa số (dân tộc Kinh) ra thành thần tượng cho các dân tộc thiểu số khác cùng sống trên đất Việt. Cái dụng ý biến lễ giỗ vua Hùng từ giỗ tổ của người Kinh thành quốc lễ của mọi người dân có quốc tịch Việt là ví dụ rất rõ! Đây hiển nhiên là sự áp đặt văn hóa nghi lễ của tộc người đa số cho các tộc người còn lại.

Điều không ngạc nhiên là một số khá đông công chúng tán thưởng “chiến lược” này. Điều ngạc nhiên là không ít chuyên gia am hiểu, không ít quan chức, không ít nhà khoa học, thậm chí nhà sử học hàng đầu, lại tán thưởng, thậm chí góp sức luận chứng cho cách làm này, – cách làm mà trên thực tế, nó chính là một thứ sô-vanh văn hóa (cultural chauvinism).

Tôi cho rằng những người hiểu biết không nên ủng hộ thứ sô-vanh văn hóa này.

03/12/2012
LẠI NGUYÊN ÂN


 Trao đổi với Lại Nguyên Ân về Giỗ tổ Hùng Vương và Sovanh
12/05/2012 11:41:00 CH  SÔNG HÀN  36 COMMENTS

Trên boxit.vn, BBC tiếng Việt cùng nhiều trang mạng khác vừa đăng bài của Lại Nguyên Ân nhan đề: Vua Hùng là ông tổ của ai?


Nội dung bài viết cho rằng Vua Hùng chỉ là tổ tiên của người Kinh (tức người Việt) và do vậy không thể bắt ép 54 dân tộc trên toàn lãnh thổ Việt Nam phải tôn Hùng Vương làm tổ tiên bởi như thế là Sovanh chủ nghĩa: "Cần nói rõ: mọi người dân của 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam đều mang quốc tịch Việt Nam, nhưng chỉ những ai là người của dân tộc Kinh (Việt) mới coi vua Hùng là ông tổ. Còn những người thuộc các dân tộc khác, tuy họ đều có quốc tịch Việt Nam, nhưng họ không phải là con cháu vua Hùng. Họ không cần về Đền Hùng lễ tổ mỗi dịp ngày mồng mười tháng ba hàng năm...".

Xung quanh vấn đề này, Sông Hàn có mấy lời trao đổi lại để rõ hơn về ngọn nguồn.

Văn Lang là gì?

Khởi đầu bài viết của mình, ông Lại Nguyên Ân cho rằng: "Tôi tin rằng, với những bộ óc bình thường, với sự hiểu biết bình thường, người ta đều có thể trả lời: vua Hùng chỉ được coi là ông tổ của một dân tộc Kinh (= Việt) thôi; dân Kinh (Việt) chỉ là 1 trong 54 dân tộc ở Việt Nam. Vậy 53 dân tộc còn lại đều có ông tổ riêng của mình, chứ không phải vua Hùng".

Xin thưa bàn về lịch sử, bàn về văn hóa nhưng kiến thức Lịch sử văn hóa của ông đã sai lạc nghiêm trọng. Ông sử dụng sự ràng buộc của câu chữ để trói độc giả, khẳng định mệnh đề mình đưa ra là đúng. Tức là ông đã bất bình thường khi nói về "những bộ óc bình thường, sự hiểu biết bình thường..."

Nói về Hùng Vương, không thể không nói về nhà nước Văn lang mà Hùng Vương (thứ I) được cho là người khai sáng cũng như các dân tộc đã làm nên nhà nước (quốc gia) này. Về Văn lang, ta có hai giả thuyết:

1. Văn Lang hẹp (giả thuyết chính thống, được dạy trong sách giáo khoa lịch sử hiện thời) tức là Văn Lang mà lãnh thổ chủ yếu gói trong Trung du và Châu thổ sông Hồng một phần Thanh, Nghệ.

2. Văn lang rộng: Tức là miền Nam sông Trường Giang với tiền thân là Xích Quỷ Quốc được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư- kỷ Hồng Bàng.

Hán sử chép: nam sông Trường giang là đất đai của người Việt tức là Bách Việt mà chúng ta vẫn thường biết đến.

Bách Việt gồm trăm tộc Việt (phi Hán) cùng sinh sống trên khắp đất Nam sông Trường Giang (Trung Quốc ngày nay) cho đến hết đất Bắc Bộ và một phần Bắc Trung Bộ. Tày, Nùng (Choang tộc - Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc), hay Việt (Kinh),  Thái, ... (ngoại trừ đi H'mông) đều ở trong cộng đồng Bách Việt ấy cả. Trăm tộc Việt này đi thuyền đánh cá, trồng lúa nước và đúc trống đồng và kiến tạo nên những giá trị văn hóa, văn minh, mà đến giờ con cháu vẫn kế thừa. .

Dù theo bất cứ thuyết nào thì Văn lang vẫn là vương quốc độc lập đầu tiên của người Việt, vương quốc của Bách Việt mấy ngàn năm về trước. Kinh, Thái, Nùng, Tày .... ngày nay đều là những mảnh vỡ của Văn Lang khi xưa, những gì còn lại của Trăm tộc Việt phi Hán khi xưa.

Hẳn ông Lại Nguyên Ân phải thấy rất những nét tương đồng về văn hóa giữa người Kinh với nhiều cộng đồng dân tộc cứ trú ở phía Bắc. Tại vì sao lại thế? Vì chúng ta chung một cội, chung một cách ứng xử với tự nhiên. Và từ hàng ngàn năm nay, những dân tộc này đang chung một quốc gia, chung một vận mệnh.

Giỗ tổ tôn vinh ai?
Lại Nguyên Ân cho rằng: "mọi người dân của 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam đều mang quốc tịch Việt Nam, nhưng chỉ những ai là người của dân tộc Kinh (Việt) mới coi vua Hùng là ông tổ. Còn những người thuộc các dân tộc khác, tuy họ đều có quốc tịch Việt Nam, nhưng họ không phải là con cháu vua Hùng" (Vua Hùng là ông tổ của ai?). Từ lập luận này, ông Ân đi đến kết luận: Họ không cần thiết phải đến lễ hội đền Hùng.

Xin thưa với ông Lại Nguyên Ân rằng Hùng Vương cũng không phải là tổ tiên (tức là  lấy vợ sinh con rồi đẻ ra người Việt - hay Kinh) như lời ông nói. Truyền thuyết và còn ghi lại việc Lạc Long Quân (cha của Hùng Vương I) đánh thủy quái, diệt cáo chín đuôi cứu vớt người dân. Hùng vương khuyên người dân săm người để chống thuồng luồng... Là quá đủ thưa ông?

Tôi thật không hiểu kiến thực lịch sử và văn hóa của ông ở đâu nữa!

Không ai bắt buộc những người Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông (trên đât Tây Nguyên), hay người Chăm, người Khơ Me, người Hoa phải tôn xưng Hùng Vương là tổ tiên của dân tộc họ cả. Lễ giổ tổ mồng 10 tháng 3 hàng năm là để người dân Việt Nam nhớ về người đã gắn kết được trăm tộc Việt, tạo dựng nhà nước đầu tiên.

Mà nhà nước đó, Việt Nam ngày nay (với tư cách là một quốc gia) đang kế thừa! Nhiều cư dân (sắc tộc) sinh sống ở phía Bắc Việt Nam đang là những gì còn sót lại của Bách Việt khi xưa, được gắn kết bởi cùng chung một bối cảnh sống, lịch sử và vận mệnh!

Việc tôn xưng người đầu tiên xây dựng lên nhà nước của trăm tộc Việt có gì là sai? Người Việt Nam nhớ về người đầu tiên lập ra quốc gia của mình, hướng về đó có gì là sai? Ông đừng lập lờ đánh lận khái niệm Quốc tổ - người khai sinh ra quốc gia đầu tiên với Tổ tiên của từng dân tộc - hiểu theo nghĩa đơn thuần.

Đơn giản đây không phải là lễ hội tôn vinh hoặc tìm kiếm sự một ông tổ của từng sắc tộc như lời ông nói. Giỗ tổ 10/3 dù cho có bị chính trị hóa (theo lời của BBC), thì hẳn đó cũng là chính trị hóa rất đẹp. Lịch sử Việt Nam đã từng ghi nhận không ít những lễ hội, câu chuyện được như vậy, bản thân chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi xưa cũng không từng chối bỏ ngày Giỗ tổ.

Lễ hội và so vanh chủ nghĩa

Lễ hội Ponagar
Khi mở cõi vào phương Nam người Việt đã tiếp nhận, biến đổi rất nhiều những yếu tố văn hóa của cư dân bản địa. Nhiều vị thần của người Chăm đã trở thành vị thần của người Việt. Cứ như ông Lại Nguyên Ân nói thì việc gì người Việt phải đi thờ nữ thần Ponagar? Có dây mơ rễ má, có cội nguồn gì, chịu ơn gì đâu?

Lễ hội Làng hàng năm (có thể) là lễ hội tôn vinh thành hoàng Làng (tức là vị có công với Làng, hay người đầu tiên lập Làng). Lễ hội đó hoàn toàn cho phép những người mới nhập cư cùng tham gia, cũng như rộng cửa đón khách thập phương. Cứ theo như lý luận của ông Ân thì lễ hội Làng cần gì phải đón khách bên ngoài. Người bên ngoài có dây mơ rễ má gì với Làng, chịu ơn gì Thành Hoàng, thế thì đến để làm gì?

Người Trung Quốc ở phía Nam Trường Giang nhiều nơi còn thờ Nhị Trưng, nhiều nơi có đền thờ Lý Thường Kiệt. Họ có dây mơ rễ má gì, họ chịu ơn gì những nhân vật của nước Nam mà thờ? Cứ như ông Ân nói thì dân Trung Quốc nên dẹp hết mấy cái đền thờ ấy đi, bỏ hoang hóa cho  nhanh.

Sovanh chủ nghĩa không nằm ở việc tôn vinh Hùng Vương như người khai sáng quốc gia đầu tiên của người Việt (mà Việt Nam ngày nay là kẻ kế thừa cả về những giá trị văn hóa, lịch sử và dân tộc tính). Sovanh chủ nghĩa chính là nằm ở việc chúng ta đối xử thế nào, trọng thị ra sao đối với văn hóa (bao gồm cả tín ngưỡng, phong tục  tập quán) của các cộng đồng dân tộc.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét