Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Không nhận thêm một đôla nào...


Thứ hai, ngày 25 tháng ba năm 2013

Không nhận thêm một đôla nào...

Lời bàn: Tiến trình dân chủ, sửa đổi Hiến pháp, suy thoái kinh tế, quốc nạn tham nhũng, chủ quyền biển đảo... đang nóng dần trên các phương tiện truyền thông (quốc doanh lẫn blog cá nhân) cả nước, mời bà con đọc câu chuyện "giải trí" dưới đây... mà cảnh giác!



Hoa Kỳ đang trải qua cơn đại suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử: đại suy thoái năm 1929. Do sản xuất thừa mứa, thị trường bị bão hòa không tiêu thụ nổi, nạn đầu cơ tiền tệ vọt quá mức. Người thất nghiệp xếp hàng dài dằng dặc trước các quầy phát súp bố thí.

87 tỉ đô la thu nhập quốc gia không cứu nổi nước Mỹ rơi tõm xuống vực thẳm suy thoái. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu bị khánh kiệt, một số nhà kinh doanh cỡ bự nhảy lầu tự tử. Nhiều kẻ ranh ma thì tin rằng: muốn sống sót qua cơn bão tố này phải biết mánh mung thiệt giỏi. Trong khi chưa nghĩ ra mánh hay, cả những người Mỹ ranh ma quỉ quyệt lẫn những người lương thiện kéo tới bao vây các phòng tuyển lao động, tìm đọc mục "Cần người" trên các báo.

Bữa đó một người đứng xếp hàng chờ đến lượt bỗng phát hiện ở cột Rao vặt trên tờ New York Post dòng thông báo kì cục in chữ to, đóng khung trang trọng:

"HÃY GỬI CHO TÔI MỘT ĐÔLA, SỐ NHÀ 35, ĐẠI LỘ 12, HARON UYNLEM"

Thằng cha nào đó cả gan thật. Gửi cho tôi một đô, dễ thế! Ở thời buổi này một đô đâu phải là thứ dễ kiếm. Nó là thằng nào mà làm phách dữ vậy? Chắc lại một trò quảng cáo gì đó.

Nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy cũng lạ, cũng đáng quan tâm. Một thông báo kiểu đó, đóng khung tử tế, in chữ to nữa chứ. Phải tốn vào đó hơn một đô là ít. Mọi  người bàn tán trong quán cà phê, câu chuyện râm ran to nhỏ chuyền qua tai nhau càng tăng thêm sự chú ý tới lời thông báo kì cục.

- Bác biết chưa? Có người đăng báo đòi một đô và còn cho cả địa chỉ rõ ràng nữa kia.
- Ôi dào, chuyện vớ vẩn. Nhưng dù sao cũng đăng trên báo hẳn hoi.
- Bác nghĩ đó là một doanh nghiệp mới ra đời?
- Không, một trò quảng cáo gì đó thôi.
- Vâng, nhưng quảng cáo thứ gì cơ? Có lẽ cũng đáng quan tâm.

Hôm sau vẫn trên tờ New York Post lại đăng như bữa trước, bằng khổ chữ to, in hơi đậm hơn:

"HÃY GỬI CHO TÔI MỘT ĐÔLA, SỐ NHÀ 35, ĐẠI LỘ 12, HARON UYNLEM"


Dư luận càng xôn xao, mọi người càng phỏng đoán.

- Tôi cho rằng đằng sau thông báo này có chuyện gì đó, có thể thằng cha này đã nghĩ ra được một mánh làm ăn trên thị trường chứng khoán.
- Với một đôla vốn liếng? Chuyện nực cười!
- Đừng tưởng chỉ có chừng đó, nếu số người tham gia rất đông.

Hôm sau nữa, vẫn trên tờ báo đó lại thấy thông báo bằng khổ chữ càng to:

"HÃY GỬI CHO TÔI MỘT ĐÔLA, SỐ NHÀ 35, ĐẠI LỘ 12, HARON UYNLEM"

Chắc phải có chuyện gì nên người ta mới thông báo dai dẳng như vậy mà không cho thêm chi tiết gì. Thế là sau ba ngày trong độc giả báo New York Post, tờ báo có nhiều bạn đọc nhất, một trong những tờ báo lớn nhất thành phố, bỗng nảy sinh một thứ tâm lý khác lạ. Nó nhanh chóng lây lan sang khá nhiều cư dân địa phương.

Không ai rõ bằng cách nào, qua miệng ai, một thông tin được truyền tới tai tất cả mọi người, từ người tiểu thương từng trải đến cụ già hưu trí đa nghi, từ kẻ cầu bơ cầu bất đến nhà kinh doanh lõi đời.

"Cái nhà ông Haron Uynlem này là một tay rất từ thiện, một tỉ phú hơi điên điên. Ông sẽ gửi cho mỗi người đã tỏ lòng tin cậy ông một món quà tuyệt vời. Ông làm vậy để nâng cao tinh thần đồng bào. Đó là một con người theo chủ nghĩa lý tưởng, một người Mỹ chân chính đầy lòng tin tưởng vào đất nước."

Ngày thứ tư, vẫn trên tờ New York Post, bằng khổ chữ lớn hơn:

"HÃY GỬI CHO TÔI MỘT ĐÔLA, SỐ NHÀ 35, ĐẠI LỘ 12, HARON UYNLEM"

Vẫn chỉ ngắn gọn có thế, vẫn một câu khô khan ra lệnh.

Thế là một tin đồn khác phi nước đại trong thành phố. Lần này là một thông tin đảm bảo chính xác, xuất phát từ một nguồn rất đáng tin cậy: "Đây là một nhà kinh doanh thiên tài, sắp khai trương một công ty công nghiệp cực kì vĩ đại với những trái phiếu cực kì nhỏ, mỗi người chỉ góp một đô thôi. Không nhận hơn, ông ta kiên quyết từ chối những người muốn đóng góp quá một đô".

Và chẳng ai thấy mặt Uyn-lem. Người nhân viên lầm lì đeo cổ cồn nhựa trắng ngồi nhận tiền và viết biên lai rõ ràng, chỉ là người làm thuê: "Tôi đâu có biết, tôi chỉ đếm tiền thôi, dùng tiền vào việc gì thì không rõ". Và hối thúc: "Xin lẹ lẹ cho. Phía sau quý vị còn đông lắm. Năm giờ chúng tôi đóng cửa rồi", ông ta cằn nhằn.

Ngày thứ năm trên tờ New York Post hiện ra mấy dòng hơi khác, vẫn in ở vị trí cũ:

"XIN LƯU Ý, TÔI CHỈ NHẬN ĐỒNG ĐÔLA CỦA QUÝ VỊ TỚI 15 THÁNG NÀY LÀ HẾT HẠN"

Vẫn ghi địa chỉ mọi khi: số 35, đại lộ 12, Haron Uynlem.


Thời hạn cuối cùng được thông báo chẳng khác gì ngọn roi quất mạnh, mọi người cuống cuồng sợ bỏ lỡ dịp may, xô nhau chạy tới góp một đô. Nhân viên phát thư của sở Bưu điện ôm hàng chồng thư bảo đảm tới giao cho người gác cổng số 35. Trong dòng thác thư từ này có cả những góp ý, những yêu cầu cung cấp thêm thông tin, những lời nguyền rủa chửi bới, và dĩ nhiên có rất nhiều tờ một đô, có cả đôi tờ séc.

Điều lạ nhất là mọi số tiền vượt qua một đô đều lập tức bị trả lại, khách hàng của Haron Uynlem phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc đã nêu, đây không phải là chuyện lừa đảo ấm ớ. Sự chặt chẽ này gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đến dư luận.

Ngày thứ sáu không có thông báo trên tờ New York Post. Ngày thứ bảy không, ngày thứ tám cũng không...

Ngày thứ chín có thông báo đóng khung trên New York Post.

"QUÝ VỊ CHỈ CÒN HAI NGÀY ĐỂ GỬI MỘT ĐÔLA CHO TÔI. QUÁ HẠN NÀY ĐỒNG ĐÔLA CỦA QUÝ VỊ SẼ BỊ TỪ CHỐI KHÔNG THƯƠNG TIẾC"

Trước nhà số 35 đại lộ 12 đúng là đang xảy ra một cuộc chiến ghê người.

Viên cảnh sát túc trực tại đây hốt hoảng xin tiếp viện để tổ chức thành một đội bảo vệ trật tự. Hàng mấy trăm mấy ngàn người có máu mánh mung chen lấn nhau suốt dọc đại lộ. Giờ hết hạn càng đến gần, các nhà đầu tư càng cuồng nhiệt.


Thấy có cuộc tập hợp khác  thường, khách vãng lai hỏi chuyện, và một số đông trong bọn họ cũng nhào vô nhập cuộc. Dù sao một đô vẫn chỉ là số tiền nhỏ, vả lại, biết đâu đấy? Cuộc sống lúc này vô cùng bấp bênh, tương lai thì mịt mùng chưa biết sẽ ra sao, mỗi cơ may dù nhỏ nhoi cũng không thể bỏ qua.

Cảnh sát nắm tay nhau lập hành lang vào cửa ngôi nhà 35 trong đó nhân viên thu ngân lầm lì đeo cổ áo nhựa trắng ngồi phân phát biên lai với vẻ cau có. Tuy vẫn chịu khó trả lời: đúng năm giờ chiều mai quầy thu ngân đóng cửa hẳn, kiên quyết không nhận thêm một đồng nào nữa. Dứt khoát như vậy. Ông Haron Uynlem không chấp nhận bất cứ trường hợp ngoại lệ nào, bất cứ một đặc quyền đặc ân nào.

Tốc độ dịch chuyển người xếp hàng ngày càng nhanh hơn. Đã có vài xô xát. Một số tên gian lận đã nộp tiền rồi nhưng lại len vào xếp hàng định giở  trò man trá góp thêm một đô nữa, nhưng đám đông cảnh giác canh chừng và kịp thời vạch mặt bọn bất lương. Vả lại chúng thật khó lòng thi thố thủ đoạn gian manh đó: nhân viên thu ngân lầm lì đeo cổ áo nhựa trắng mỗi lần nhận một đô lại đòi xem giấy chứng minh và viết thêm biên lai theo đúng tên họ ghi trên đó. Ông giải thích: luật quy định như vậy, ông không thể làm khác. Đã vậy, ông lại nhớ mặt dai như đĩa. Và có một bản thông kê ghi theo vần chữ cái tên những người đã đóng tiền. Không có cách gì qua mặt được ông.

Ngày cuối cùng, đúng ngày 15 tháng đó, người tới đông đến nổi nhân viên thu ngân suýt bị xé xác khi định tạm đóng cửa để ăn trưa. Cũng may ông ta kịp thời nhận ra tình hình nguy hiểm có thể bùng nổ nên chịu nhịn đói để có tiếp tục cho ra những tờ biên lai một đô.


Đúng năm giờ chiều, CHẤM HẾT, không nhận thêm một đồng nào nữa. Nhân viên đóng cửa. Và van nài nhân viên công lực giúp giải tán đám đông phẩn nộ. Ngài Haron Uynlem trung thành với cam kết, đã hết ngày cuối cùng, phải đóng cửa.

Nhân viên lầm lì đeo cổ áo nhựa trắng ra đi qua một cửa ngách và biến mất trong thành phố New York mênh mông. Biến mất trong Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ vĩ đại đang giữa thời buổi găngxtơ hoành hành, các băng nhóm thanh toán nhau khốc liệt, thời buổi suy thoái kinh tế.

Chỉ một mình gã nhân viên lầm lì đeo cổ áo trắng cóc sợ con quỷ đại suy thoái. Hắn đã có 300.000 ngàn đô trong túi. 300.000 chứ không ít hơn, và tên hắn đúng là Haron Uynlem. Có khác chăng là lúc này hắn không lầm lì nữa và đã quẳng chiếc áo nhựa trắng vào đống rác.

Buộc hắn tội gì đây? Lừa đảo chăng? Lạm dụng lòng tin chăng? Thoạt nhìn thì thấy đúng như thế thật. Trong những ngày, những tuần, những tháng sau đó, các đồn cảnh sát phường, các tòa án chìm ngập trong thư khiếu nại, tố giác, kiện cáo. 300.000 người khờ dại than thở không nhận được tí gì đổi cho đồng đôla đã nộp. Nhưng họ đã lầm. Mỗi người đều đã nhận một tờ biên lai có kí tên Haron Uynlem, trên đó Haron Uynlem chẳng hứa hẹn gì thêm. Chẳng hứa hẹn gì nên chẳng phải cho lại gì, chuyện đó thật bình thường. Gã chỉ đăng trên báo một dòng chữ rất to nghĩa không ai có thể hiểu sai được: “Hãy gửi cho tôi một đôla”. Thế thôi, không nói để làm gì, đó là quyền của hắn. Hắn còn ghi thêm rằng: quá thời hạn qui định hắn sẽ từ chối không nhận thêm một đồng nào nữa và đã làm đúng như vậy. Hơn nữa các tờ biên lai đều ghi danh theo đúng luật, đúng như đã thông báo: “Nhận ông Mỗ số tiền một đôla”. Chấm xuống dòng.


Tòa án Mỹ không lẽ bỏ công sức mở 300.000 hồ sơ về 300.000 vụ kiện đòi mỗi một đôla. Mà những người nộp đơn kiện khi biết phí kiện cáo đắt nhiều lần hơn một đôla cũng đành ngậm quả bồ hòn làm ngọt mà rút đơn thật êm. Chỉ biết tự trách mình sao quá ngu.

Nên nội vụ chìm xuồng luôn. Chẳng có bên nguyên cũng chẳng có bên bị. Thấy người ta đòi một đô, anh móc túi cho một đô. Chẳng có gì trái pháp luật. Người xin và người cho đều hành động hợp pháp.

Haron Uynlem là ai? Hồ sơ vụ này chỉ ghi lại được chân dung mơ hồ của một gã thấp bé, lầm lì, đeo cổ áo nhựa trắng… qua lời tả của một số người bị gã đòi tiền. Để ria hay không để ria? Họ nói mỗi người một phách chả ai chịu ai. Vả sau đó không một ai gặp lại hắn, không một ai nghe nói tới hắn lần nữa, không bao giờ.

Trong hàng ngũ những triệu phú trên thế gian này chắc có Haron Uynlem lẩn quất đâu đó. Hoặc con cháu của hắn. Nên ta phải cảnh giác!

PHH
(Biên soạn theo Hồ sơ Interpol)




2 nhận xét: