viết tiếp
"những tấm hình khêu kỷ niệm" phần đầu
Hết năm lớp chín thì 9p giải tán là tất nhiên vì phải phân ban ở niên học lớp mười. Nhưng vì muốn ghi khắc trong lòng tâm tình của thời điểm chia tay đầy quyến luyến, và cũng để quyện lại những buồn vui đẹp đẽ một thời gian dài từ lớp Sáu P đến lớp Chín P của những người còn hiện diện tại đây với những người đã rời xa và chuẩn bị rời xa bè bạn: Nu Ni, Lộc, Thái Hòa, Bửu Ngọc, Ngô Việt, Hồ Thành Võ… (xin lỗi, tôi không nhớ có bạn nữ nào rời lớp khoảng thời gian đó), chúng tôi tổ chức đọc Văn tế Chín P. Toàn thể lớp đứng nghiêm trang nghe tôi đọc văn tế trong bộ áo dài khăn đóng chỉnh tề. Không khí trang trọng và xúc động, không “hề” như thường ngày. Hôm đó thầy Độ đi ngang thấy “ngộ” quá dừng ngay cửa lớp đứng xem, khen, rồi xin luôn cái bài văn tế.
Năm lên 10B1, thầy Phát thấy tui mặc cái áo kỳ quá, rách lung tung, đứt nút, gài bằng kim tây… thầy nói: em đưa áo cho thầy, thầy đem về nhờ cô vá lại cho. Tôi “cảm động” vô cùng và thưa lại, như thế nào bây giờ tôi không nhớ, thầy không thèm nhắc nhở cái áo nữa.
Lên 10B1, thầy Điền hướng dẫn. Tui mới biết thầy, mà thầy cũng mới gặp tui. Tới hôm nọ bầu trưởng lớp. Cả lớp giơ tay bầu tui, kể cả mấy ông A3, A4 như ông Đỗ Thành Tựu,Đặng Đức Hạnh... ngoại trừ bà Nguyễn Tấn Hạnh. Thầy Điền trố mắt nhìn lớp hỏi: các em đồng ý bầu em này làm trưởng lớp thiệt hả? Cả lớp cười rần và hô to: đồng ý thưa thầy! Thầy lắc đầu ngao ngán. Giờ nhớ lại, tui phát chán cái thằng tui. Và cũng qua câu chuyện nhớ lại này tui thấy cái dân chủ của miền Nam: dân chủ một cách tự nhiên, không thầy cô hay ai xen vô chuyện tự quản của đám học trò.
Tui chỉ học được nửa niên khóa lớp mười, và học bằng cái đầu trống rỗng bởi trước mặt là lệnh Tổng động viên. Thi xong kỳ đệ nhứt bán niên của lớp mười, tui lên đường…”đường trường xa con chó nó tha con mèo!” như bao thơ sinh “xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh” khác. Hành trang của thằng con trai 18 tuổi trên những nẻo đường đành đoạn của quê hương là nỗi ưu tư da diết về năm thực thể hòa quyện: tổ quốc, gia đình, tình yêu, bằng hữu, bản thân.
Bây giờ, nhìn lại những bức hình, dĩ vãng sống dậy, chan hòa kỷ niệm với tình thân. Chợt nhớ lại dòng thơ không gởi, cho bạn bè, từ nơi ám chướng sau năm 75:
… “Bây giờ tụi mày đang làm gì? Sống ra sao? Những buổi chiều có còn thảnh thơi ra trước biển để gởi hồn theo sóng gió mênh mông? Để say sưa ngắm nhìn khối mặt trời hổn hoang lặng lẻ buông mình xuống biển trong giờ phút ngày tàn? Có thả những suy tư theo những bước chân lạc lõng trên những mặt đường câm lặng của thị xã thân yêu? - Giờ tụi mày ra sao? Mỗi thằng một góc trời. Có được thong thả, hiên ngang? Hay đâm sầm vào cuộc sống như những con ma giẩy dụa trong quyền phép phù thủy? Ơi – những con ma hiện thân của niềm tin chết gục – gậm nhấm nỗi rã rời bất lực hay ực lấy những niềm hoan lạc vong thân.” …
(xin lỗi, những dòng cuối hơi lạc đề)
Vũng Tàu – “nhớ để yêu thương” – 2013.