Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

những tấm hình...


Những tấm hình khêu kỷ niệm

Nhìn những tấm hình này, tui nhìn được sự trắng trong của tuổi học trò, nhìn được sự đầm ấm của tình bạn hữu… và nhìn được cả tương lai hứa hẹn qua nét sáng ngời của từng khuôn mặt. 

Nhìn những tấm hình này, tôi nhớ lại một “ngôi gia đường” Trung học Vũng tàu đầy sức sống với bao hình ảnh của sân trường, của góc lớp, của tàn cây, của thầy cô, của áo trắng hồn nhiên… một hoài niệm thân thương đến mủi lòng.

Cô Anh, cô Hoa, thầy Khánh, cô Hải, thầy Nhàn, cô Hương, cô Phượng, thầy Mão, thầy Độ, thầy Phước, thầy Cầu, thầy Ru, thầy Bích, thầy Điền, thầy Tiên, thầy Hản, thầy Thám, thầy Ban, thầy Thuận, thầy Hải, thầy Phát, cô Sâm… 

Đặc biệt, nhóm tụi tui hân hạnh được giao tiếp thường xuyên với  thầy Phát và cô Sâm. Tụi tui hay tụm nhau lại hát đồng ca, và việc mang cây giutaz vô lớp là điều cần thiết, để tưng tưng những lúc chờ vào học hay giờ ra chơi. Nhưng cô Sâm không thuận lỗ tai, mà lớp tụi tui lại ngay cửa phòng giám thị nhìn xuống (hình như có ý tứ sắp xếp như thế của bề trên). Thế là cây đờn được triệu lên để treo ở phòng giám thị mỗi khi tiếng đờn thấu tai cô. Tụi tôi quê lắm, bèn từ đó cùng vỗ nhịp mà ca mỗi khi đụng chuyện với văn phòng: “bà Sâm… dô ta… thì mặc bà Sâm… dô ta… nhưng mà bả réo… dô ta… thì lên văn phòng… dô tà dô tà là hò dô ta dô ta… “. Mà đụng chuyện với văn phòng của cô Sâm và thầy Phát  là thường xuyên.

Lớp 9P là cái lớp có nhiều chuyện vui nhức óc. Rất tiếc là các nhân vật chính lại ít mon men vô internet, nên mỗi mình tui tui không nhớ nhiều và nhớ rõ những kỷ niệm, kể lại chuyện e thiếu những tình tiết ấn tượng.

Thằng Huỳnh Bửu Ngọc là một trong những cây cười. Nó với Vũ Duy Tuấn biết thầy Ru có cô con gái đẹp, cũng tên Ngọc, nên hai thằng cứ đon ren hỏi chuyện thầy. Lại có thêm mấy đứa hùa theo nữa, tụi nó cứ gọi thầy bằng Bố. Bữa đó, bực quá, không nhịn được nữa, thầy quay lại mắng: chúng mày thì chỉ có nước lấy chó thôi… đừng hòng… Cả lớp cười nghiêng cười ngửa trên bàn…

Tội thằng Ngọc, không biết “anh dũng hy sinh “ ở xó  rừng nào, mãi không trở về cùng gia đình và bè bạn.

Trường mình năm đó phát thinh không có một phái đoàn đi khám bịnh cùi. (Làm chúng mình vắng đi một người bạn khả ái). Thầy Minh Goebel cũng truyền đạt lại cho học trò về nhân dạng người bịnh. Thầy nói người nào bị bịnh cùi thì đôi má ửng hồng. Thằng Ngọc, cũng thằng Ngọc, giơ tay xin nói: thưa thầy, mấy người nào mà xạo thì cái mặt cũng đỏ hồng như vậy đó thầy. Ông thầy, từ sự chưng hửng chuyển qua nổi lôi đình, chửi tụi tui te tua (bên nữ nghe ké): chúng mày, số chúng mày lớn lên chỉ có đi ăn mày!... Bây giờ những khi gặp nhau và nhắc nhớ kỷ niệm, tụi tui đều công nhận thầy Minh phán đúng: mấy thằng ở ngoài nước không biết sao, chớ những thằng trong nước hiện tại chẳng đứa nào ra trò trống gì cả.

Trong mấy bức hình trước có hình các anh chàng đứng dưới gốc bàng. Gốc bàng đó nhiều kỷ niệm, mà cái kỷ niệm tui nhớ nhứt là mấy thằng cắm trại viên trung kiên bị thầy Nhàn phạt. Hồi đó, cứ chiều thứ bảy hàng tuần, mấy chàng nhét dưới gầm bàn lủ khủ đồ nghề: ba lô, lều trại, gậy gộc, nồi niu, thức ăn… cho đến cây đờn. Vừa tan trường là cứ đường về “thiêng thổ” mà tiến (hồi đó gọi vậy theo khách khí của những con gà choai lạc cạc tiếng gáy – nhưng đối với tụi tui nó nhuốm màu huyền thoại. Bởi những đêm ca hát hoặc tâm tình bên ánh lửa trại bập bùng, cùng những ánh ma trơi, cùng những lượn sóng vỗ ghềnh ầm ào bọt sóng ngời xanh tung tóe… Bởi những ngày rượt giởn nhau dưới ánh mặt trời chói chang trên những mảng cỏ xanh rì, bên những gộp đá lầm lì nhấp nhô). Tụi tui ở trại từ chiều tối thứ bảy đến trưa thứ hai mới nhổ trại về thẳng trường để học tiếp, không kể mình mẩy mấy ngày không tắm nước ngọt. Các bạn nữ ra chơi với tụi tui vào ngày chúa nhật. Lúc ra thì vui, lúc mấy nường về thì cũng bịn rịn luyến tiếc y hệt một cuộc chia tay vậy. Từ đất trại mà cứ dòm theo mấy bóng dáng lủi thủi tuốt đằng Bãi Dứa. Rồi từ Bãi Dứa mấy nường cũng ngoái nhìn đất trại... 

Thường thì tụi tui về trường trước giờ vô học để toọc ba lô đồ đạc xuống gầm bàn cho khuất. Hôm đó không nhớ sao về trễ, lớp đang học. Thầy Nhàn giương mắt nhìn mấy thằng bộ dạng như mọi ngoài cửa lớp (xin lỗi, hồi xưa gọi vậy). Mấy thằng mọi cũng giương mắt ngó thầy. Thế rồi ổng bước xuống bục giảng chỉ ra gốc bàng: các em xếp hàng! Tụi tui mắc cười cho tụi tui, mà trong lớp tụi nó còn cười tụi tui nhiều hơn nữa. Rồi các lớp 8 đàn em chung quanh nữa… Một hàng dọc thẳng.  Ba lô, gậy gộc, nồi niu và các thứ hằm bà lằng… mặt mày lem luốc. Đã vậy lại thêm cái cây đờn tàn phế: trong đêm tối một đứa đạp lên thùng đờn, lủng dấu nguyên một bàn chân. Rồi sáng ra thằng NuNi lại vác cây đờn “dện” thằng Ngọc cái nữa. Dây nhợ bung xèng, thùng lủng tưa ván, cái cần quẹo một bên… thãm thương cho cây đàn của chàng Ngô Việt.

                                                                                                                                (còn tiếp)


15 nhận xét:

  1. HaiDan làm tui nhớ ngày xưa quá ! Nhớ lắm lắm !!! (9 A1 )

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài HD viết mà thương cho các bạn bên nhà, 9P là một khung trời kỷ niệm khó quên. HD viết về thầy Minh Goebel, ổng ta đọc được bài này chắc cười ra nước mắt. Người có định mệnh, các bạn ở trong nước không may, nhưng được về tinh thần. Ngược lại ra hải ngoại được vật chất nhưng mất tinh thần.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài HD viết mà thương cho các bạn bên nhà, 9P là một khung trời kỷ niệm khó quên. HD viết về thầy Minh Goebel, ổng ta đọc được bài này chắc cười ra nước mắt. Người có định mệnh, các bạn ở trong nước không may, nhưng được về tinh thần. Ngược lại ra hải ngoại được vật chất nhưng mất tinh thần.

    Trả lờiXóa
  4. 9P luôn là một mái ấm gia đình từ thưở nào.

    Trả lờiXóa
  5. càng nghĩ và nhớ về thì thấy từ thưở mang chữ P chúng mình luôn là anh em 1 nhà

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bởi vậy tụi mình về sau này mới luôn đề danh là Gia đình 9P/71-72.

      Xóa
  6. Lớp 9P phá phách nhiều nhất trường THVT, có năm đi diễn hành "người cày có ruộng", thay vì theo đoàn đến hội trường ở đầu chợ, mấy cha nội dẫn phân nữa đoàn diễn hành đi xuống toà thị chánh, ra biển...kỳ đó bị phạt nặng nề. HD còn nhớ không ? nhớ đôi giày cũ được giơ lên trời không ? có nhớ kể lại kỷ niệm cho vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nhắc mới nhớ. kỷ niệm này cũng vui đáo để.

      Xóa
  7. Cám ơn Anh HD đã post hình lên blog, và cũng cám ơn thật nhiều đến chủ nhân Kim Hoang đã cho xem lại những tấm hình kỷ niệm của thuở học trò và nhất là của lớp 9p.

    Trả lờiXóa
  8. nhìn những bức hình của những người còn đang học, nhớ những người đã rời xa. Rồi lại thương những người còn ở lại, dù đã lên đến lớp 12 rồi mà vẫn gần cận vui đùa bên nhau. Cảm động nhứt là các chàng về lại gian lớp xưa chụp hình, như muốn chụp hồn dĩ vãng.

    Trả lờiXóa
  9. Ở bài này rõ ràng Hai Dân câu giờ quá,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thành thật xin lỗi. Nhiều khi muốn viết tiếp mà cái đầu cứ trơ thổ địa, lòng dạ cứ bâng quơ... tha lỗi, than lỗi.

      Xóa
  10. Cho mình đóng góp thêm một chút về sự kiện Thầy Minh và bệnh cùi. Thầy từ trên bàn giáo sư đi xuống,chân thì đá đá,tay thì hơi quơ quơ,ghé qua dãy bàn nữ sinh(thói quen) nói:biểu hiện của bệnh cùi là những cô nào đang tự nhiên bỗng phát đẹp hẳn lên là có triệu chứng của bệnh cùi.( đang tronh thời gian đó trong trường các nữ sinh đang có tin đồn cô Hồng con của nhà sách Minh Quang bị bệnh khiến cô ta không dám đi học). Lúc đó trự Bửu Ngọc phe ta dơ tay lên: thưa thầy em có ý kiến " em nghe nói thằng nào nói xạo quá cũng bị cùi nữa thầy" cả lớp ồ lên cười nghiêng cười ngửa và khúc sau thì đúng nhu hai Dân đã viết có nghĩa là ra đời đi ăn mày cả lũ.

    Trả lờiXóa
  11. Sự tích con chó đá.
    ột buổi chiều na9m học lớp chín , Có 1 giờ được nghỉ.các bạn nam kéo nhau ra phía sau thư viện chơi tạc lon . chạy tới chạy lui và tạc một hồi thì không biết trự nào vô tình tạc trúng cái gì hơi là lã lú ra.Anh Lộc nhà ta đào và moi nó lên ,thìra 1 con chó đá hình dáng đang ngồi canh mã. con chó làm bằng ciment đúc ,sơn màu đen thui .cả bọn xúm lại xì xầm bàn tán.Sau đó quyết điịnh đem vào lớp và đặt lên bàn giáo sư .lấy cái lon sửa bò đổ đầy cát và chạy đi xin 3 cây nhang ở nhà chú giữ trường ,cắm lên và xem như là tổ của lớp.Đến giờ dạy hóa của thầy Nguyễn Hữu Ru.Thầy bước vào ,khi thầy hỏi chuyện con chó đá,thì thay vì trả lời các trự xóm nhà lá thay nhau chọc thầy ( vì thầy có cô con gái tên Ngọc ,học cũng ngang lớp với tụi mình, cứ nháo nhào lên Bố này Bố nọ,gả con gái thầy cho con đi um xùm.Bực quá thầy quay sang con chó và nói " chúng mày chỉ có nước lấy chó chứ lấy ai " cả lớp cườ ồ lên.Và đó là sự tích con chó đá của lớp 9 P.
    Có đúng không các bạn ?

    Trả lờiXóa