Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Những “quả bom” hiểm họa


Giống như một “quả bom” phát nổ khi con số 4.300 người chết mỗi năm do bị tác động bởi nhiệt điện than ở Việt Nam.

Nhưng 4.300 chưa phải là con số cuối cùng, bởi nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành thì con số 4.300 của hiện tại sẽ thành 25.000 người chết mỗi năm ở tương lai.

http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/nhung-qua-bom-hiem-hoa-381955.bld

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Nguyễn Văn Huyên: TẾT TRUNG THU


Thứ Bảy, ngày 26 tháng 9 năm 2015

Nguyễn Văn Huyên: TẾT TRUNG THU



Tết Trung thu

Lời dẫn: Trung thu không chỉ là tết dành cho trẻ em như chúng ta thường thấy trong xã hội hiện đại. Từ xa xưa, nó được coi là ngày lễ của những người làm nông nghiệp và dần được gắn những quan niệm mới, ước vọng mới của xã hội khiến nó trở nên sinh động và gần gũi với mọi tầng lớp. Quan trọng hơn, mặt trăng, biểu tượng của khả năng sinh sản và người bảo trợ của đời sống vợ chồng, khiến cho Tết Trung thu cũng là dịp để nam nữ tìm hiểu nhau qua những câu hát đối, hoạt động vui chơi trong đêm trăng rằm. Nhân dịp Tết Trung thu sắp đến, chúng ta cùng đọc lại trích đoạn bài "Tết Trung thu" của GS. Nguyễn Văn Huyên đăng trên tạp chí Indochine năm 1942 để cùng thưởng thức sự phức tạp và thú vị của ngày Tết dân gian này.

Nguyễn Văn Huyên
Indochine, Hebdomadaire, Illustré, số 108, 24/7/1942
(bản dịch của Đỗ Trọng Quang)

(…) Mặt trăng, được coi là biểu tượng của khả năng sinh sản, trở thành người bảo trợ của phụ nữ và đời sống vợ chồng. Trên mặt trăng có cung của ông Nguyệt lão và bà Nguyệt, cả hai đều quyết định việc hôn nhân của mọi người trên trái đất. (…) Chính bằng những sợi chỉ tơ hồng mà ông tơ ràng buộc các cặp vợ chồng tương lai. Ông tơ càng buộc chặt, họ càng xích gần nhau, càng yêu nhau. Trai gái chỉ chắc chắn về tình yêu của họ và được gắn bó với nhau trong tương lai bằng hôn nhân nếu sợi được se để thành chỉ. Họ còn ngập ngừng khi chỉ bị rối. Có trường hợp Nguyệt lão se sẵn chỉ trước, buộc cặp vợ chồng tương lai. Chính vì vậy mà một số cuộc cưới xin được dễ dàng: người ta không cần phải đợi cho đến khi chỉ được se xong.

Dù sao, Trung thu, tết của mặt trăng, đồng thời cũng là tết dạm hỏi, lúc cả nam và nữ đều tìm cách làm vừa ý người khác và tìm thấy trong đám đông người bạn đời tương lai của mình. Họ tụ tập từng nhóm từ sáu đến tám người, ngay lúc sẩm tối, trước cửa hay trong sân nhà mình. Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam. Và họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Người con trai (hay người con gái) có thể bị loại vì hát tồi, hay vì không tìm được câu thơ đáp lại đối phương. Cuộc thi hát đối đáp này chỉ kết thúc khi tất cả những người hát của một phe đều bị loại, chỉ trừ một. Lúc mỗi bên chỉ còn một người hát, thì ai thắng được giải nhất, còn người kia được giải nhì. Phần thưởng này là tiền, lụa, chè hay cái quạt.

Tiếp theo những cảnh hát đối đáp này thường là lễ dạm hỏi và cưới xin: người con gái vừa có sắc vừa có tài được đối phương mình lấy làm vợ, hoặc được một chàng trai đã dự hội dạm hỏi. Nếu những cuộc hát đối đáp này không được kết thúc bằng dạm hỏi thì ít nhất đây cũng là cơ hội để trai gái làm quen nhau.

Ở các gia đình giàu có và danh giá, con trai và con gái không được phép hát như thế. Tuy nhiên, những cô gái thuộc gia đình thượng lưu, để tỏ tài mình trước mắt các chàng trai và các bà mẹ chồng tương lai, đều nhân dịp tết tháng Tám, cũng gọi là tết trẻ em, để đua tài bằng cách làm đủ loại đồ vật với bột, giấy, hoa quả, v.v.

Đêm Trung thu, cả nhà tưng bừng. Cửa mở toang và tất cả những ai ăn mặc tươm tất đều có thể vào nhà. Cô gái có vai trò tích cực nhất trong việc chuẩn bị tết thì lui vào một căn phòng có mành che kín. Trẻ con nô đùa xung quanh bàn dưới sự chỉ dẫn của các anh trai và chị dâu. Khách có thể tự do đi xung quanh bàn. Họ bình phẩm, cười vui. Rồi sau khi khen ngợi và cảm ơn chủ nhà, họ đi ra và tới các gia đình khác. Các vị quý khách thì được cha mẹ tiếp. Và các cô gái chỉ ra khi bố mẹ gọi bưng nước mời khách.

Như vậy, tết Trung thu, trong một quá trình diễn biến lâu dài của tư tưởng và phong tục, đã trở thành ngày hội lớn của tuổi trẻ, trong đó trai gái gặp gỡ nhau và hát đối đáp giữa các đám đông và dưới ánh trăng. (…) Trong các cuộc hát đối đáp đó, họ tha hồ tìm hiểu nhau. Những lời thề thốt được trao đổi trịnh trọng trước ánh trăng rực rỡ xuất hiện uy nghi như một vị thần chứng giám. Và như vậy, ở cuộc đấu tao nhã này nảy nở một tình yêu và những giá trị. Có trường hợp những mối dây chắc chắn ràng buộc các lứa đôi này và những đám cưới được cử hành vào ngày lành tháng tốt của mùa xuân sau.

(…) Đêm đó, khi trăng đã lên ngự uy nghi ở điểm cao nhất của bầu trời, vào thời kỳ này thường rất quang và trong vắt, các nhà thơ tụ họp nhau để uống “rượu hoa vàng” dưới bóng những cây trúc, và nhắm những con ốc ở tháng này của mùa thu thường béo hơn ở những thời kỳ khác, và để cùng nhau ứng tác những vần thơ ca ngợi thiên nhiên vĩnh cửu và tuyệt đẹp. (…)

Trái lại, những thanh niên đã hoặc sắp sửa học hành thành tài lại vui tết Trung thu theo kiểu của họ. Đối với họ, đây là ngày tết của tương lai, ngày tết mở đầu cho các kỳ đỗ đạt sắp tới của họ. (…) Cây đa che cho chú Cuội của dân gian trở thành cây nguyệt quế có hoa nở về mùa thu và đôi khi rụng xuống mặt đất. Cái cây hiếm hoi này, với những cành nhánh oai vệ, là biểu tượng của sự đỗ đạt vinh quang. Đêm đó, ai cũng mong muốn lên cung trăng, qua giấc mộng, bằng một chiếc thang “mây”, mây đan hay mây trời, để hái một cành kỳ diệu của nó.

Vì thế, ở tết Trung thu này, người ta bày lên bàn dành cho trẻ em tất cả các hình trạng nguyên, tiến sĩ… của những khoa thi ngày xưa, hình bàn thờ gia tộc, các đình làng, là những nơi các vị tân khoa sẽ phải đến long trọng làm lễ khi vinh quy về làng.

Trung thu ở nước Việt Nam này đã trở thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội có đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào trong nước. Thoạt tiên được coi là ngày lễ của người làm ruộng chỉ lo lắng đến vụ thu hoạch của mình, nó đã được những quan niệm mới và ước vọng mới của xã hội làm trẻ lại và trở nên sinh động. Là ngày tết của dạm hỏi, nó góp phần to lớn làm cho xích lại gần nhau các nhóm và các gia đình sống tách biệt hẳn nhau sâu sắc kể từ sau những ngày lễ hội của Tết Nguyên đán vừa qua. Là ngày tết của lớp tuổi trẻ học trò, nó mang lại cho mọi người hy vọng rằng, trong những ngày sắp đến, họ có thể thờ vua giúp nước, và họ sẽ xứng đáng với lòng tin cậy của các bậc huynh trưởng cũng như của các cô vợ xinh đẹp và đức hạnh đang trông mong trong sự im lặng và tần tảo, được theo sau chàng trong đám rước vinh quy trên những chiếc võng điều.


Nguyễn Văn Huyên toàn tập, Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, tập 2,
NXB Giáo dục, 2001, tr. 953-969.

Dẫn lại từ: NguyenVanHuyen.org.vn
TỂU BLOG


Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Những bài học nho nhỏ



http://www.webtretho.com/forum/f3950/20-bai-hoc-vo-gia-giup-ban-song-tot-va-y-nghia-hon-2041006/


Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Vén Môi Giữa Trời



Tuần qua, người viết này vắng bóng giang hồ vì phải đi bác sĩ.

Thầy lang ái ngại hỏi con bệnh. Vì sao mà lại bai rốn như vậy? Gặp thầy thì phải thành thật khai báo.  - Vì cười.

Cười đến bai rốn vì thấy các “dư luận viên” tưng bừng ngợi ca Phó Tổng thống Joe Biden của Mỹ lẩy Kiều để chào mừng Tổng bí thư của đảng ta – là Nguyễn Phú Trọng khi chàng cười toe bước vào thủ đô Hoa Kỳ.

Vì thiên hạ cứ bàn tán về thiên tài Joe Biden - xin đọc là Bai-đơn chứ không là bi đen – nên người viết đành tìm hiểu và cười lăn lộn đến nỗi trong nhà phải gọi Nai Oan Oan để nằm hở rốn trình diện bác sĩ.

Số là Joe Biden đã nâng ly kể lại tiến trình hòa giải hòa hợp Mỹ-Việt – và chàng kết thúc với phép trích dẫn, quotation, câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vì khán giả còn lai láng hồn thơ nên ít ai để ý đến việc Biden nhấp môi rồi để lại trên bục cái ly rượu như ly thuốc đắng. Yến tiệc hơi đạm bạc!

Câu thơ (3121) trở thành dừng danh kim cổ Mỹ là:

“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Sau đó, các bậc thức giả trong nước liền ngợi ca Phó Tổng thống Mỹ khéo Lẩy Kiều để thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước. Một số người uyên bác hơn còn nhắc rằng vào năm 2000, Tổng thống Bill Clinton cũng lẩy Kiều khi chào mừng Chủ tịch nước thời đó là ông Nguyễn Minh Triết, với câu thơ:

“Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân”.

Mọi người đều biết Truyện Kiều là tác phẩm văn học phổ biến nhất của dân ta, được các thành phần xã hội từ bình dân đến có học cùng ưa thích. Cũng từ Nguyễn Du, dân ta vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều hoặc dẫn Kiều và cho thấy trí thông minh của người Việt trong nghệ thuật chơi chữ.

Nói về ngoại giao thì nếu lãnh đạo nước khác mà muốn làm người Việt vui lòng thì có thể yêu cầu ban tham mưu tìm trong Truyện Kiều đôi lời hoa mỹ thích hợp cho tinh thần hữu nghị. Cũng vậy, lãnh đạo xứ khác có thể trích vài câu danh ngôn của Thomas Jefferson hay Abraham Lincoln để ngợi ca Hoa Kỳ như Chủ tịch Trung Quốc thời đó là Giang Trạch Dân đã biểu diễn. Nếu cứ lấy đó làm thật thì Mỹ đã tưởng bở như khi đọc “Tuyên Ngôn Độc Lập” của Hồ Chí Minh 70 năm về trước.

Nhưng bảo rằng Bill Clinton và Joe Biden đã lẩy Kiều thì e là không chuẩn mà cần chỉnh!



***


Khách có kẻ ngồi bên đang lấy vaseline xoa vào rốn… mình thì đùng đùng bật dậy: “Nhà bác nghĩ sao mà cho là có vấn đề?”

- Chỉ vì các ông ấy không Tập Kiều hay Lẩy Kiều mà chỉ trich Kiều, thế thôi.

Thấy khách còn  phân vân nghi ngại thì mình phải giải thích, chứ biết làm sao.

Này nhé, “Tập Kiều” là dùng chữ trong Truyện Kiều để làm ra bài thơ mới. Cụ thể là lấy vài chữ trong Truyện Kiều ráp lại thành một bài thơ có vần, không nhất thiết là giữ nguyên thể lục bát của Nguyễn Du, để diễn tả một điều khác hẳn. Nếu không quen thói đốt sách và chôn học trò của cường Tần là phần thư khanh nho, thì phải nhớ là nhiều bậc danh sĩ như Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu hay Tản Đà và Vũ Hoàng Chương đã có các bài Tập Kiều rất hay. Một ví dụ không nên quên là bài điếu văn do cụ Thẩm Quỳnh soạn tại Sàigon năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm sinh của Nguyễn Du, trong đó có câu ca tụng Tố Như của chúng ta lấy toàn chữ trong Truyện Kiều:

Hào hoa phong nhã
Mai tuyết tinh thần
Vốn nhà trâm anh
Có chiều phong vận

Xa hơn thế, cụ Cử Hà Mai Khôi cũng có bài Tập Kiều khá dài, trong đó có đoạn mô tả gia cảnh của Thúy Kiều với chữ lấy từ trong truyện:

Có nhà viên ngoại
Vốn dòng Nho gia
Một trai con rốt (út)
Hai ả Tố Nga
Đủ mùi ca ngâm
Nổi danh tài sắc
Phú quý ai bì
Phong lưu rất mực


Còn "Lẩy Kiều" là ráp một câu sáu chữ ở đoạn này với một câu tám chữ ở đoạn khác nhưng phải cùng một vần và cũng từ Truyện Kiều để có hai câu lục bát mang ý nghĩa khác với nguyên bản. Một thí dụ Lẩy Kiều là khi cụ Sào Nam Phan Bội Châu bị thực dân Pháp an trí tại Bến Ngự vào năm 1925, thì nhà chí sĩ đã lẩy Kiều mà báo với dân chúng về thân phận mình. Bài Kính Cáo Quốc Dân mở đầu như sau:

Ví chăng xét tấm tình si
Thiệt ta mà có ích gì đến ai!
Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt hẳn đền bồi có khi…

«Còn thân ắt hẳn đền bồi có khi» là lời ước nguyện của cụ vì cái bệnh tình si là yêu nước.

Một bài Lẩy Kiều khác thì có ý nghĩa như câu đố:

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.
Một mình âm ỷ canh chầy
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.

Lời giải là cái đèn cầy, là cây nến!

Như vậy thì câu chào mừng mà Tổng thống Clinton và Phó Tổng thống Biden đã đọc chỉ là nguyên bản trong Truyện Kiều chứ làm sao gọi là Lẩy Kiều hay Tập Kiều?

Khách hả hê xoa đầu và đểu thêm một cấp khi tung câu hỏi như ám khí: «Hình như ai đó soạn thảo đoạn diễn văn ấy cũng có dụng ý trong phép trích dẫn Truyện Kiều. Vì tại sao trong 3254 câu và 1627 cặp lục bát lại chọn hai cặp này mà trích?»

Người viết phân vân một sát na, chớp nhoáng, mà nghĩ đến câu «người làm sao của chiêm bao làm vậy».

Tổng thống Clinton là gã đa tình, ưa liếm mép, mà sợ vợ nên ai đó mới chọn cho câu 1795 diễn tả nỗi niềm của anh chàng Thúc Sinh đa tình mà sợ vợ. Câu “Sen tàn cúc lại nở hoa, Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân” là trong đoạn Thúc Sinh bồi hồi đếm lịch cả năm sau khi tưởng là mất Kiều mà nhớ vợ là nàng Hoạn Thư nổi tiếng có máu ghen! Với nết thần nanh đỏ mỏ, nàng có thể được ngồi trong trướng của Hillary.

Không biết là có ai dịch cả văn cảnh của câu thơ cho Bill Clinton biết hay chăng. Và học giả Hà Nội thì mắc bệnh mê Clinton chẳng thua gì em Monica Lewinsky nên cóc nhớ chi tiết mà cứ xuýt xoa.

Giải nhất về tài nghệ xuýt xoa là sau đó: nhiều anh cóc nhái Hà Nội còn học thói vừa thổi da trâu vừa vỗ mông ngựa của Vi Tiểu Bảo, là vừa nói phét vừa nịnh hót, mà luận rằng chữ SEN ấy là để nhắc đến làng Kim Liên của Bác Hồ! Tuyệt chiêu của nền nịnh láo.

Bây giờ là 15 năm sau, ban tham mưu của Joe Biden thì khá hơn và quỷ quái hơn nên chọn câu Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời. Đó là lời chàng Kim Trọng rất mã thượng an ủi nàng Kiều ở đoạn tái hồi vào cuối chuyện, khi Thúy Kiều tự nghĩ thân mình là ong qua bướm lại đã thừa xấu xa! ...

...

Mà các dư luận viên của Hà Nội chẳng đọc thêm câu sau mới là mười phần thê thảm: Hoa tàn mà lại thêm tươi. Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!

Than ôi. Ngàn năm văn vật đất Thăng Long!

(Internet)


Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

VỀ 40 NĂM





 Thân gửi các bạn,

Đã lâu rồi  do đang lo cho Đặc San thành hình nên AN  không  cập nhật thông tin để các bạn rõ mọi việc. Hôm nay  xin gửi đến các bạn một số  phần việc chúng ta đã thực hiện được :

      + Đặc San của Nhóm  đang được IN , trong tháng 9/2015 nầy là hoàn tất.  Và thực tế, khi lên marquette bài vở, hình ảnh chính thức thì ĐS đẹp hơn dự kiến ban đầu, số trang thành 212 trang với giá nhà In hổ trợ là  104.000đVN/cuốn. Sau khi BBT hội ý cùng các bạn ( Vũng Tàu) đã thống nhất in 220 cuốn thay vì 200c như ban đầu. Toàn bộ chi phí in ấn, vận chuyển, giao dịch cho ĐS, khi hoàn tất AN sẽ Tổng kết  cho các bạn biết rõ ha!

     +Song song với việc làm Đặc san, Nhóm mình có đặt làm 150  huy hiệu bằng kim loại mạ bạc gắn áo lưu niệm cho Thầy Cô và các bạn về tham dự ( do tiết kiệm chi phí  nên chỉ đặt làm có 150 cái giá 55.000đVN/cái). AN có kèm hình.

     + Trong thời gian qua,  sau khi AN thông báo phần đóng góp của các bạn cho ĐS và Họp mặt ( đã báo rồi), AN lại nhận thêm các đóng góp cho Chi phí cho ngày Họp mặt của một số bạn nữa ( AN đã gửi tin cho người gửi ) sau khi Mỹ Thắng thông báo đề nghị người tham gia đóng góp 200.000đ/ng. Hôm nay AN xin bổ xung thêm  để để các bạn được rõ:

                       . Trần Kim Yến  ( Úc)    :       1.000.000đ VN.
                       . Huy Dũng                      :          300.000đ.
                       .Đinh t Thanh Xuân       :           200.000đ
                       .Vũ thị Quyên                :            200.000đ
                      .Ái Nhân                           :           500.000đ
                      . Tư Hải  ( Úc) 50$           :           805.000đ
                      .Trần Bửu  ( Úc) 50$       :           815.000đ

                Cộng ( đến 23/9/15)            =       3.820.000đ ( AN sẽ chuyển cho Mỹ Thắng vì hiện nay Thắng đang giữ Quĩ nhóm.)

         Hôm nay là 23/9/15, để tiếp tục  các bước tiếp theo  chuẩn bị cho CT 40 Năm, như email trước Mỹ Thắng đã gửi, đề nghị các bạn tham gia việc làm các clip video  nói về mình hoặc gia đình gửi cho Thắng, cũng như đăng ký  tham gia ngày Họp mặt chính thức để Nhóm VT nắm được số lượng người  sắp xếp cho tốt CT Họp mặt. Cảm ơn các bạn thật nhiều, chúc các bạn luôn an vui.

AN.
(từ email của Ái Nhân)



                     

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

BỎ THÊM CHO CHẴN



Bước qua tuổi ngũ tuần, minh mẫn dần chạy đi và lú lẫn hay ập tới. Ông Hai cũng vậy, như mọi người.Tối qua, ông nhận một cuộc điện thoại khuya từ máy để bàn, đó là một người bạn cũ gọi báo tin một người bạn cũ khác đang rất khó khăn, cần sự giúp đỡ từ bạn bè. Sẵn có bì thư trên bàn, ông ghi vội vào mặt sau số điện thoại người bạn cần giúp đỡ mà đầu dây bên kia vừa cho biết.

Sáng đi bộ thể dục rồi ngồi phân tích tình hình thế giới cùng mọi người nên ông Hai về muộn. Bà Hai vừa nhìn thấy ông đã than thở:
- Mới sáng sớm tốn hết 200.000 đồng!

Hỏi ra mới biết đó là tiền lót tay cho anh thợ điện để nhờ kéo đường dây khỏi vướng mái nhà hàng xóm. Chẳng hiểu sao lúc ấy ông Hai lại nhớ cái phong bì, ông hốt hoảng:
- Cái phong bì tôi để trên bàn đâu bà có thấy không?

Bà Hai tỉnh bơ:
- Thì tôi lấy để bỏ 200.000 đồng vô đưa anh thợ điện cho lịch sự.

Lót tay mà cũng phải lịch sự! Ông Hai nhăn mặt, rên lên:
- Trời ơi! Bà có biết là tôi đã ghi số điện thoại của ông bạn đang cần giúp đỡ phía sau bì thư đó không. Giờ lấy đâu ra mà liên lạc?

Đúng là không còn cách để liên lạc, bởi người bạn gọi tới báo tin lại gọi từ điện thoại công cộng.
Thấy chồng hốt hoảng, bà Hai trấn an:
- Được rồi, để tôi đi kiếm anh thợ điện xin lại cái bì thư, ông đừng lo...

Bà Hai đi ngay và hết buổi sáng bà mới quay về, mặt buồn xo:
- Hỏi quanh hỏi quất mới ra chỗ làm anh thợ điện. Tới khi tìm được thì ảnh kêu là vừa bỏ thêm vô 300.000 đồng nữa cho chẵn để gửi cô hiệu trưởng trường mầm non, nơi vừa xin con vô học.

Vậy là cái bì thư có ghi số điện thoại người bạn cần giúp đỡ của ông Hai giờ đã chạy qua chỗ khác, chắc cũng để cho lịch sự. Thấy chồng lại nhăn nhó, bà Hai lại trấn an:
- Ông yên tâm, tôi đã xin địa chỉ cái trường mầm non đó, để tôi ăn chén cơm cho đỡ đói rồi đi xin lại cái bì thư cho ông.

Bà Hai lại đi hết gần nửa ngày và quay về với bộ mặt lo lắng:
- Ông biết không, cô hiệu trưởng nhận phong bì xong lại bỏ thêm 500.000 đồng nữa cho chẵn rồi đem lót tay cho bác sĩ đang chữa bệnh cho mẹ của cổ.

Ông Hai ôm đầu, rên lên:
- Tội nghiệp... cái bì thư quá đi!

Thương chồng, tối hôm đó bà Hai lại lặn lội đi kiếm nhà ông bác sĩ. Đến tận khuya vợ mới về, ông Hai chạy ào ra, hồi hộp:
- Sao bà đi lâu vậy, có cái bì thư không?

Bà Hai ngồi xuống, thở một cái rõ dài:
- Ông bác sĩ lấy phong bì, bỏ vô đó thêm 4 triệu nữa cho... chẵn rồi đem đưa ngay cho anh cán bộ nhà đất nào đó để lo chuyện cái sổ đỏ. Tôi ngồi năn nỉ hoài để hỏi địa chỉ anh cán bộ đó mà ông bác sĩ nhất quyết không nói.

Ông Hai ôm đầu rên rỉ.
- Vậy là mất tiêu cái bì thư, mất tiêu số điện thoại, giờ muốn giúp bạn cũng không biết làm sao.

Vừa lúc đó Ly, con gái xinh đẹp của họ, về tới. Nhìn thấy ba mẹ ngồi bó gối ủ rũ, cô lo lắng:
- Nhà vừa bị mất thứ gì hả ba mẹ?

Bà Hai gật đầu:
- Ừ, mất cái bì thư.

Ly tròn mắt:
- Chỉ có cái bì thư thôi à?

Ông Hai lắc đầu:
- Trên đó có ghi ở mặt sau số điện thoại người bạn của ba đang cần sự giúp
đỡ...

Ly nhíu mày, mở vội túi xách, lôi ra cái phong bì, chìa ra trước mặt ba:
- Phải cái này không ba?

Ông Hai trợn mắt, gằn giọng:
- Sao... sao... con có nó?

Ly mỉm cười, thong thả:
- Dạ, bạn trai của con cho. Ảnh nghe con sắp đi du lịch nước ngoài cùng cơ quan nên cho con 10 triệu đem theo xài vặt.

Bà Hai lắp bắp:
- Sao lại 10 triệu?

Ly nhún vai:
- Dạ, thì ảnh nói vừa được thưởng 5 triệu, bỏ thêm 5 triệu nữa cho... chẵn để tặng con.


(từ email của một người bạn)


nước non ngàn dặm ra đi


cảm ơn Th. đã nhắc về một bài ca của đất nước. Tìm lại, nghe lại, để nhớ, và để phóng tầm mắt về mông lung phía trước...






(quý bạn chịu khó bấm vào hàng chữ "xem video này trên Youtube", hoặc bấm vào chữ Tube phía dưới khung video)


Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Điểm danh các loại người trong VĂN TẾ THẬP LOẠI GIÁO SƯ




Các loại người trong tác phẩm khuyết danh:”Văn Tế Thập Loại Giáo Sư”

Nguyễn Trần Sâm

Năm 2010, trên hàng chục (có thể hàng trăm) trang mạng xuất hiện tác phẩm khuyết danh Văn Tế Thập Loại Giáo Sư (gọi tắt là Văn Tế). Về hình thức, đây không phải loại văn tế đặc trưng mà là thơ song-thất-lục-bát, bắt chước Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Cụ Tiên Điền. Tôi đọc và thực sự kính phục tác giả của nó. Trong vỏn vẹn 392 chữ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh hiện thực sinh động về cuộc đua chen mua bằng bán tước, với tài dùng từ ngữ không chê vào đâu được, từng từ được chọn lựa đắt đến mức không thể nào thay thế nổi. Tôi nghĩ tác phẩm này xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa Văn của các thế hệ sau.

Bốn năm đã qua, và tôi thấy không nên để mọi người quên đi tác phẩm giá trị này. Tôi quyết định phải viết về nó. Nhưng vì không phải nhà nghiên cứu văn học, nên tôi chỉ dám đặt ra nhiệm vụ là dùng văn xuôi để nói thêm cho rõ hơn, kỹ hơn về các loại người, “thập loại giáo sư, tiến sỹ” được nêu trong Văn Tế. Đúng ra thì lối văn được dùng trong đó đã rất sáng sủa, nhưng do rất cô đọng nên độc giả phổ thông có thể không hiểu hết khi đọc qua một lượt. Và tôi hình dung đối tượng bài viết của tôi chính là tầng lớp độc giả đó. Với các vị có trình độ về Văn Học mà tình cờ xem qua bài này, tôi xin được thông cảm, và nếu được chỉ giáo thì tôi thực sự biết ơn.

*
Văn Tế có 14 khổ. Ba khổ đầu chỉ xin dẫn ra để bạn đọc tiện theo dõi.

1
Tiết quý Thu gió mưa vuồn vuột
Dân quê miềng lạnh buốt xương da
Lập đàn đèn nến hương hoa
Lạy ông tiến sĩ, lạy bà giáo sư.

2.
Bể học vấn hư hư thực thực
Lối quan trường bắc bực gai chông
Vênh vênh một lũ Hội đồng
Phiếu bầu thì có, đầu không có gì.

3.
Không có gì mà gì cũng có
Sự học hàm ngấp ngó đua tranh
Đua tranh thì có giá thành
Mua danh ba vạn, bán danh ba hào.

Từ khổ 4 đến khổ 13, tác giả đặc tả “thập loại” người đua chen trong “bể học vấn” và “lối quan trường”.

*
4.
Nào những kẻ mũ cao áo rộng
Chốn tam đình ngong ngóng vào ra
Thanh binh chính thị nghiệp nhà
Ô hô mồm giải mép loa cũng tài.

Đây nói về loại người “mũ cao áo rộng”, tức ăn mặc sang trọng, thường xuyên “ngong ngóng”, đi ra đi vào “chốn tam đình”, tức chốn công đường với nhà cao cửa rộng, những tòa nhà mà người dân thường chỉ nhìn thôi cũng đã thấy nghẹt thở, và nếu phải bước vào trong thì thấy kinh hoàng hơn nhiều so với anh Pha của Nguyễn Công Hoan khi vào huyện đường gặp Quan Phụ Mẫu. Nghề của họ là “thanh binh”, nghĩa hẹp là kiểm tra, giám sát binh lính, rộng hơn là có quyền điều khiển những đám đông dân chúng trong xã hội và các quan cấp dưới. Loại này được quyền nói gì thì nói, nói oang oang, với ngôn từ như “rồng leo”. Tuy “mồm giải mép loa” thì khó nói được những điều sâu sắc, nhưng vì có quyền thế nên lời họ nói được coi là “nhả ngọc phun châu” (kiểu như “phân hóa nội bộ nước Mỹ” hay “ném chuột nhưng phải giữ bình”,…).

Loại người này thực ra rất ghét tri thức và trí thức. Ghét tri thức vì nó làm lộ ra sự đểu cáng và dốt nát. Ghét trí thức vì biết người hiểu biết thật sự không trọng gì họ. Và để khỏi bị khinh, cũng là tạo điều kiện để tiến thân xa hơn, họ phải tìm cách khoác lên mình cái áo TS, PGS hay GS. Nhưng họ vẫn chỉ là họ. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nói:

“Mặc dù nhiều khi mượn áo trí thức để làm dáng, nhưng trong thực tế, bản chất của lưu manh là thâm thù, căm ghét trí thức chân chính. Và họ căm thù trí tuệ nói chung… Ở tầng lớp lưu manh khoác áo trí thức, cái lõi là vô học; bao nhiêu cái có học bên ngoài chỉ là đắp điếm thêm.”

*
5.
Nào những kẻ miệt mài đèn sách
Đạo văn người chắp nhặt nên câu
Sách người làm mọt làm sâu
Ô hô nhai lại kiếp trâu kiếp bò.

Trong thập loại người đua chen trong bể học vấn, đây là loại tử tế hơn cả. Họ “miệt mài đèn sách”. Nhưng ngay cả họ cũng chẳng phát hiện hay sáng tạo ra cái gì mới cho xã hội, bởi cũng chỉ nhặt nhạnh, “copy” ở sách này một tí, báo kia một ít, rồi “paste” chúng lại với nhau thành “công trình” này, “luận án” nọ. Hoạt động chính của họ là “đạo văn”, là “làm mọt làm sâu” ở sách người, là “nhai lại” những điều người khác đã nói (và tự cho thê là thâm thúy, tài giỏi lắm!). Một dạng ăn cắp vặt.

*
6.
Nào những kẻ tò vò nuôi nhện
Bụng nhện tròn nó quện luôn ông
Ô hô mông quạnh đồng không
Có hương có khói nhưng không bàn thờ.

Nếu trong thập loại, loại “mũ cao áo rộng” được lợi nhiều nhất từ những cuộc đua tranh thì loại “tò vò nuôi nhện” là loại thảm thương nhất. Thất bại toàn diện. (Mặc dù thành ngữ “tò vò nuôi nhện” phản ảnh sai thực tế là chính tò vò ăn nhện, nhưng ở đây ta hãy cứ hiểu theo nghĩa truyền thống rằng “tò vò nuôi nhện” nói về những kẻ cố công nuôi kẻ khác một cách uổng phí.) “Tò vò nuôi nhện” ở đây là những kẻ dốc hết vốn liếng ra để nuôi những ông “thầy” và vài kẻ nào đó trong “một lũ hội đồng” mà “phiếu bầu thì có” nhưng “đầu không có gì”, nhưng rủi thay, những nhân vật đó “tử” đột ngột (theo nghĩa đen hoặc nghĩa bóng), không thể đem kẻ nuôi mình “về đích”. Kẻ đua tranh không thể thành TS, PGS, GS được, đành cũng “chết” theo kẻ mình nuôi, bị “quện” theo ra chốn “mông quạnh đồng không”. “Chết” mà không thành danh, nên không được lập “bàn thờ”, chỉ được người đời thương hại đốt cho vài nén nhang cho “có hương có khói”.

*
7.
Nào những kẻ lập lờ đục nước
Hội Tâm linh mưu chước sắp bày
Dị nhân đuổi gió hô mây
Quái nhân múa mép, múa tay, múa tiền.

Không chỉ có người đời bình thường bước vào chốn đua tranh vì học hàm, học vị. Những kẻ thuộc “hội tâm linh”, tưởng chừng hướng toàn bộ tâm trí về cõi huyền, không màng danh lợi, lại cũng lao vào cuộc mua danh. Chúng tự tô vẽ bản thân như những “dị nhân” (trước ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, có kẻ còn cam đoan có thể “đuổi gió hô mây” để tạo thuận lợi cho việc tổ chức “đại lễ”), hoặc cố “múa mép, múa tay”, thể hiện mình theo cách nào đó để thiên hạ thấy ở chúng những “quái nhân” có đầy phép lạ, nhằm mục đích được “múa tiền” và… đút túi.

*
8.
Nào những kẻ điên điên dại dại
Nay quốc ca mai lại quốc hoa
Ô hô vỏ lựu mào gà
Nước nôi man mác biết là còn không.

Những kẻ “điên điên dại dại” này thực ra chỉ “điên điên dại dại” ở lối sống. Thực ra, chúng họ hàng rất gần với những kẻ “mũ cao áo rộng” hoặc chính là bọn này. Vì chỉ có chúng mới có quyền “phát động” thi sáng tác “quốc ca (mới)” hay thi đề cử “quốc hoa”. Trong việc tranh đoạt quyền lợi, chúng rất “tỉnh”, rất “cao mưu”. Chỉ có điều, những trò chúng làm đều là trò “vỏ lựu mào gà”, giống như việc làm của bọn làng chơi, lấy nước vỏ lựu, máu mào gà (và thời giờ là các loại hóa chất) để “mượn màu chiêu tập”, “làm hồng vùng kín” để lừa khách chơi, làm như gái còn trinh. Dối trá, lòe bịp dân đen để trục lợi là nghề của chúng. Tác giả Văn Tế, với thái độ khinh bỉ, đã mô tả chúng, những kẻ quyền thế đó, như anh chị em sinh đôi của bọn chuyên dùng mẹo “mượn màu chiêu tập” trong kinh doanh xác thịt. Và thực sự đó là sự tương đồng. Với bọn người quyền thế này thì “đất nước” cũng thành “nước nôi”, và chúng sẵn sàng bán rẻ lúc nào không biết.

*
9.
Nào những kẻ lưu vong thất thổ
Cõi Tây phương mặt rỗ kỳ khu
Học đòi lí lẽ ba xu
Chõ về đàn gảy tai tru mà rầu.

Đây là nói những kẻ đi du học bên “Tây” (chắc không có ý nói Việt Kiều, vì cụm từ “mặt rỗ kỳ khu” rõ ràng nói về những kẻ “học bạc mặt” mới theo được dân bản xứ). Trong số đó, có những kẻ học được ít nhiều “lý lẽ” bên Tây, nhìn về quê nhà thấy có nhiều điều oái oăm, bèn ngứa miệng, lên tiếng “phản biện” hoặc “dạy bảo”. Nhưng đã là kẻ đua tranh trong “bể học vấn hư hư thực thực” thì thực ra cũng chẳng giỏi giang chi, nên cái “lý lẽ” kia cũng chỉ đáng “ba xu”, lại nói cho bọn “tai tru” nghe nên càng chẳng đâu vào đâu, người ngoài cuộc chứng kiến “mà rầu”.

*
10.
Nào những kẻ Đông Âu tu luyện
Trợ cấp còm tằn tiện từng khâu
Gái xinh chẳng dám nhìn lâu
Áo phông son Thái khấu đầu bán buôn.

Đoạn này nói về những kẻ cũng “đi Tây”, nhưng là “Tây Đông Âu”, tức là các nước “xã hội chủ nghĩa anh em” cũ. Cánh này đi theo “đề án 322” của chính phủ, học bổng ở dạng “trợ cấp còm”, phải ra sức tằn tiện mới đủ sống. Thấy “gái xinh” thì ngoảnh đi nơi khác, hoặc có nhìn cũng “chẳng dám nhìn lâu”. Nhìn lâu nhỡ thèm thì tiền đâu bao! Và để xông xênh chút thì trước khi đi đành mang theo ít “áo phông son Thái” sang bán. Mà bán thì sợ nhỡ người quen bắt gặp nên đành “khấu đầu”, giấu mặt. Cố ki cóp kiếm ít, khi về còn có vốn để “mua danh”.

*
11.
Nào những kẻ cúi luồn thân phận
Tay bút gươm lòng lận bút lông
Ô hô trời đất thấu không
Đô Long hạ bệ, đốc Đông thượng tòa.

Đây có lẽ là đoạn có dung lượng ngữ nghĩa lớn nhất. Thú thực, lúc đầu tôi không hiểu câu “Đô Long hạ bệ, đốc Đông thượng tòa” nghĩa là thế nào. Hỏi thì mới rõ, “đô Long” và “đốc Đông” là nói về hai vị đô đốc Nguyễn Tăng Long và Đặng Tiến Đông của quân Tây Sơn. Sử xưa nói Nguyễn Tăng Long chỉ huy đánh trận Đống Đa, và nghe nói vào cái giai đoạn trong ban lãnh đạo cấp rất cao có một vị họ Đặng thì các “xử da” của ta “quyết định” rằng người chỉ huy đánh trận này là Đặng Tiến Đông. Nếu quả có thế thì đây là một sự tráo trở, đánh lừa cả dân tộc! Những “xử da” kia đã chọn lối sống “cúi luồn thân phận”, vung bút ra vẻ như “bút gươm”, nhưng kỳ thực mềm oặt như “bút lông”, sẵn sàng tạo ra những pho sử điêu toa.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tác giả Văn Tế không cố tình khẳng định rằng đã có sự tráo trở đổi trắng thay đen như vừa nói. Câu “Đô Long hạ bệ, đốc Đông thượng tòa” ở đây không mang nội dung của một khẳng định mang tính khoa học lịch sử. Đây chỉ là một thủ pháp văn chương để nói về sự tráo trở nói chung trong việc chép sử. Tác giả chỉ muốn nói có loại người sẵn sàng làm những việc như cho “Đô Long hạ bệ, đốc Đông thượng tòa”.

*
12.
Nào những kẻ ghen gà tiếng gáy
Hám vinh danh tháu xoáy công trình
Chưa thôi tranh luận rập rình
Đã lôi nhau đến pháp đình… tội chưa.

Nghĩa của đoạn này khá rõ. Nó nói về những kẻ máu me hơn người, theo “triết lý” “con gà tức nhau tiếng gáy”, và để đạt mục đích thì sẵn sàng “tháu xoáy công trình”. Kèm theo đó là những kẻ khi cảm thấy hình như kẻ khác “tháu xoáy” thì chưa kịp làm rõ trắng đen đã “lôi nhau đến pháp đình”, quyết triệt hạ đối phương để rộng đường cho chính mình trong việc tiến thân.

*
13.
Cũng có kẻ thân lừa ưa nặng
Cũng có cha lẵng nhẵng oán ân
Cuốc Liên điện thoại Ma Lân
Đánh rơi thằng nọ, xí phần đứa kia…

Cuối cùng là những kẻ ngay trong cái “lũ hội đồng”. Họ là những kẻ không còn phải đua tranh để kiếm danh hiệu TS, PGS, GS nữa. Họ đã là những GS. Tuy, như nói ở đầu Văn Tế, họ chỉ có “phiếu bầu” mà “đầu không có gì” hoặc có ở mức chưa đủ xứng đáng, nhưng họ được quyền ban ân huệ cho kẻ khác. Vì những thành viên khác của hội đồng cũng có đệ tử (hay người nuôi) cần được ban ơn, nên cuộc đua tranh càng khốc liệt. “Lũ hội đồng” phải mua bán trong nội bộ hội đồng, hoặc trao đổi theo kiểu “xí phần”: Thằng này “đệ” của tớ đấy nhé, ông bỏ cho nó thì tớ bỏ cho “đệ” của ông. Nếu nhận lời nhiều, bao không hết, hoặc nhận trường hợp “không được giá” thì đành “đánh rơi”: “Khó quá cậu ạ. Mình đã đưa cho mấy tay kia hết cái số cậu đưa cho mình nhưng có lẽ bọn nó vẫn thấy chưa đủ.” hoặc ““Xi vi” (CV, curriculum vitae, chữ Latin, vẫn hay dịch là “lý lịch khoa học”) của cậu chưa ấn tượng lắm, mình không bảo vệ cho cậu được”. Nhiều trường hợp việc bầu bán trở thành việc “oán ân”, và có “cha” máu me đến mức phải “lẵng nhẵng”, cố tìm cách đưa đệ tử “vào cầu”. Các GS trong hội đồng gặp nhau trực tiếp không tiện thì “điện thoại”. Một “Cuốc Liên” nào đó gọi tới một “Ma Lân”: “Nhớ bỏ cho thằng nọ (hay đứa kia) nhé…”

Ở đây cũng phải nói thêm về hai cái tên “Cuốc Liên” và “Ma Lân”. Rất giỏi. Đây chỉ là những ví dụ vu vơ, rất chung chung, nhưng lại gợi ra được những cái tên cụ thể của những vị từng ở trong hội đồng học hàm (ngành Văn). “Cuốc Liên” tất nhiên là viết chệch từ “Quốc Liên”, có thể là Mã Quốc Liên hay Ma Quốc Liên,… còn “Ma Lân” thì là “Mai Gì Lân” hay “Mã Gì Lân” chẳng hạn. Nhưng mà ai có tật thì giật mình thôi. Đố anh nào dám lồng lên, la lên rằng “Thằng viết bài này nó nói xấu tôi!” đấy. Chung chung mà cụ thể, cụ thể mà vẫn chung chung. Thế mới tài!

*
Và khổ kết là:

14.
Phận bèo bọt thia lia mặt nước
Giang sơn này độc dược tràn lan
Bán buôn sông biển non ngàn
Hồn hề hồn hỡi hồn tan hay còn…

*

Như đã nói từ đầu, ngôn từ của bài Văn Tế này không chê vào đâu được. Tuy nhiên, xin nói thêm rằng kể ra hai câu đầu tác giả cứ lấy nguyên văn hai câu của Cụ Tiên Điền:

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Tỏa hơi may lạnh buốt xương da

thì có lẽ hay hơn. Ngoài ra, tôi thấy hình như đoạn kết hơi lạc đề: Lẽ ra “hồn” ở đây phải là “hồn” được tế, tức là các GS, TS; nhưng đây lại có ý nói về những “phận bèo bọt”, phải chăng là nói đám dân đen?

18.10.2014
Nguyễn Trần Sâm

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Kỷ niệm 40 năm rời trường


Không nhớ là tui đã đăng chương trình 40 năm rời trường của nhóm THVT 68-75 tụi mình trên blog này chưa. Nay tui đăng lên để anh Vàng đọc và cũng để quý vị nào lưu tâm đọc qua. Và có thể tham dự được mục nào chăng (?).

xin mời quý vị bấm vào KỶ NIỆM 40 NĂM RỜI TRƯỜNG để xem thông báo ở Trang TTM.

Thân chào!

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Alaska


Đây là chuyến  đi cuả tuị tôi đi Alaska vào tháng 6 năm 2011
















Những tấm hình sau là hình thành phố đầu tiên của Alaska mà chúng tôi tới.


























Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

ngoại đạo vấn phật


Một kẻ ngoại đạo hỏi Phật:

- Không hỏi lẽ hữu ngôn, không hỏi lẽ vô ngôn.
Phật ngồi tòa.

Kẻ ngoại đạo tán thán:
- đức Thế Tôn đại từ đại bi, vén lớp mây mờ khiến tui vào được.
Rồi bái lạy mà đi.

Ngài A-Nan bèn bạch Phật:
- Kẻ ngoại đạo chứng được điều gì mà tán thán rồi đi như vậy?

Phật dạy:
- Như ngựa hay trên đời, nhìn bóng roi mà chạy.

(Như thế lương mã, kiến tiên ảnh nhi hành)

* Lời bàn:
A-nan là đệ tử Phật mà kiến giải không bằng kẻ ngoại đạo. Thử hỏi kẻ ngoại đạo cùng đệ tử của Phật khác nhau bao nhiêu?

* Kệ tụng:
Đi trên lưỡi gươm trần
Chạy trên bờ dao sắc
Khỏi phải bận leo trèo
Thỏng tay mà ngắm cái vực.


Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Cây trái sum xuê



Cây trái vùng Đông Nam Á sum xuê ở Nam Cali. Anh nói: ở đời nhờ ở hiền gặp lành, khiến tui tủi thân. Hôm rày bão tố phong ba.

















Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

nặc danh 01:33



Thiet nghi (ai đó) khong can gi phai ham doa dep bo cai KNN nay lam gi cho no mat long ban be, cai canh ”mua but vuon hoang” tu tu roi thi cung phai dep thoi boi vi khong co nguoi doc, khong co nguoi goi binh luan thi suu tam, viet lach lam gi cho hoang phi thoi gio vo ich ! 

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Thêm đề nghị dẹp blog


CV vừa mới gởi một email:


Nếu không chặn được (cái tên) xỉa xói bạn bè trên KNN thì đề nghị dẹp blog này đi.
CV

Quý bạn đọc lại một nhận xét mới ở bài "cáu sườn???":Hy vong va rat mong gap lai ban be tai dai hoi CHS-THVT do vandaubac to chuc tai Melbourne, Uc Chau 2016.

Tui xin lỗi, vì tui không nhận diện được ai là ai khi người ta xử dụng "nặc danh" hay một danh xưng nào đó. Rồi tui cũng xin lỗi khi cạn nghĩ để tin rằng có một bạn hữu nào đó tên là vandaubac sẽ tổ chức họp bạn trên đất Úc. Đâu ngờ đường đời lắm rắc rối! mà đầu óc tui thì u u minh minh. He!

Mà có nghiêm trọng lắm không để dẹp cái chòi xơ xác này? Mình có thể cười khảy với trò đùa trên không? Tui chỉ thấy mắc cười! (có thể vì tui không phải là người bị người ta chọc).