Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Về hiện tượng thơ Bút Tre - Thân Trọng Sơn


Có người gọi là trường phái thơ Bút Tre, có người lại nói dòng thơ Bút Tre, tuy không hề có lý thuyết, tuyên ngôn, không hề có chủ soái, thủ xướng phong trào, đơn giản chỉ vì cứ nghe những câu như thế này thì ai cũng biết : thơ Bút Tre đó :

Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu không biết đi đâu
Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi
Con đò dịch đít sang ngang
Bên kia có một cái làng thò ra.

Anh đi chiến dịch bản Mường
Tè xong rồi lại tìm đường về xuôi.

Phụ nữ thường rất hay lươi
Riêng em anh thấy là người cần cu.

Thơ Bút Tre tất nhiên là thơ của tác giả Bút Tre nhưng đồng thời cũng là thơ của ... ai đó không biết làm theo kiểu Bút Tre ( những câu trên thuộc cả hai trường hợp này).

Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đang ( 1911-1987 ), người xã Đồng Lương, Sông Thao, Vĩnh Phú. Từng đỗ Tú tài Pháp, từng viết báo, in sách, dạy học, từng công tác trong ngành văn hóa, có khi lên đến chức trưởng ty. Và công việc này hẳn là nhiều lúc yêu cầu Ông phát biểu ý kiến, mà Ông lại thích phát biểu bằng ... thơ. Đại loại như thế này, nói về nhiệm vụ của ngành văn hóa hoặc ca ngợi lao động sản xuất, hô hào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp :

Bây giờ đang đứng trưởng ty
Bút Tre thơ phú tôi thì có sau
Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta.
Ông Khiêm kể cũng đã tài
Trong chuồng sáu lợn có vài con to
Ông Lai theo Đảng dặn dò
Chuồng ông bảy lợn chăm cho béo tròn.

Những câu "thơ" như thế chắc là không sống được lâu, nhưng Ông vẫn tiếp tục làm và nhiều lúc là ứng tác, kịp thời phản ánh một sự kiện, ca ngợi một nhân vật nào đó :

Anh đi đồng ruộng lắng nghe
Lúa mừng phân bắc, khoai che mảnh vườn.
( Anh đây là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương Nguyễn Chí Thanh ).

Chú sang công tác bảo tàng
Đó cũng là việc cách màng giao cho.

Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.

Nhiều người thấy là lạ, ngồ ngộ cái kiểu thơ đó : hình ảnh, chữ nghĩa bất ngờ, ngắt câu hạ chữ độc đáo, và nhất là cái lối đổi thanh, đổi dấu cho hợp luật trắc bằng. Mà thú vị nhất là những câu như thế chỉ được "xuất bản miệng" cho nên thiên hạ mặc sức "tái bản" và tự dành quyền chỉnh sứa, thêm thắt . Nếu "anh đi đồng ruộng lắng nghe" có người không biết anh nào đây thì cứ nói rõ ra :

Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân bắc phân xanh đầy đồng.

Và từ đó hoan hô tiếp :

Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Bay vào vũ trụ một tuần về ngay.

Hoan hô đồng chí Trần Hoàn
Lên làm bộ trưởng chiếu toàn phim hay !

Hoan hô bác Võ Chí Công
Cho làm khoán hộ ruộng đồng tốt tươi.

Chẳng thấy ai đòi bản quyền, mà thật ra làm sao biết được ai là tác giả đầu tiên, cứ thấy thích thì mô phỏng và sáng tác thêm, và cứ thế dần dà lúc này lúc khác, chỗ nọ chỗ kia lan truyền những bài thơ, câu thơ kiểu như vậy để hình thành một hiện tượng gọi là thơ Bút Tre dân gian. Qua bao nhiêu bài được phổ biến ta có thể rút ra mấy đặc điểm sau đây :

1. Đầu tiên là việc sử dụng những hình ảnh sáng tạo, bắt nguồn từ những liên tưởng bất ngờ, có khi tưởng như ngây ngô nhưng ngầm dụng ý gây cười :

Tiễn anh lên bến ô tô
Đêm về em khóc ... tồ tồ cả đêm

Nhớ quê ra đứng đỉnh đèo
Bỗng đâu thấy một chú mèo gâu gâu
Dừng chân đứng lại trên cầu
Bỗng đâu thấy một con trâu vàng vàng

Hôm nay trên quốc lộ hai
Thể nào cũng có một vài ô tô.

Ta đi bầu cử tự do
Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm

Anh đi giường chiếu lặng câm
Anh về giường chiếu reo ầm cả lên
Anh đi em bấm đốt tay
Anh về em bấm chỗ này chỗ kia.

2. Thứ hai là những câu thơ viết sai vần. Nên biết rằng luật thơ lục bát thường yêu cầu phải có vần : chữ thứ sáu của câu "lục" phải cùng vần với chữ thứ sáu của câu "bát", rồi chữ cuối của câu "bát" lại vần với chữ cuối của câu "lục" tiếp theo.

Cô em má đỏ hồng hồng
Buôn xuôi bán ngược có chồng hay chưa ?
Xe đò ai đón ai đưa ?
Mà em đi sớm về trưa một mình. ( Bàng Bá Lân ).

"Hồng" và "chồng", "chưa", "đưa" và "trưa" : tất cả đều cùng một âm, như thế là vần chính.

Đèo nhau ta dạo phố vui
Thong dong xe đạp ngược xuôi dòng đời
Chở theo khúc khích tiếng cười
Chuyện trò như thể không người chung quanh. ( Diệp Minh Tuyền )

"Vui" và "xuôi", không cùng âm mà chỉ tương tự, "đời" và "cười" cũng vậy, như thế gọi là vần thông.

Còn không cùng âm mà cũng không có âm tương tự thì đích thị là thơ lạc vận, thơ sai vần.

Phải đâu muốn được ai yêu
Là tôi cứ nói dông dài trước sau . ( LMQ)
( Muốn cho có vần thì viết : Là tôi cứ việc nói nhiều nói dai, chẳng hạn.)

Lạc vận có thể vì bí, có thể vì trọng ý tứ nên hy sinh vần điệu. Nhưng thơ Bút Tre thì lạc vận một cách cố ý, để cho người đọc tự sửa lại cho có vần :

- Khen thay giám đốc sở mình
Làm việc thì ít xuất... ngoại thì nhiều.

- Đồ Sơn sóng biển dập dồn
Mấy cô thiếu nữ ngứa chân chạy quanh. ( hoặc : ... ngửa lưng ra phơi ).

( Thì cũng giống như Vân Tiên ngồi cạnh bụi môn / Chờ cho trăng khuất bóp ...chân Nguyệt Nga , chọn chữ nào cho hợp vần ở đây thật là gay, chả thế mà người ta dặn nhau : "Làm thơ nên tránh vần "ôn" / Uống rượu nên tránh làm ồn nói to ! )

- Trên cành con khỉ đánh đu,
Có anh cán bộ vạch cây bên đường.

( Hai câu này khiến ta liên tưởng đến khổ thơ đầu của bài "Con cá nhỏ và người đánh cá ", Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine :

Miễn là cá sống dưới hồ
Cỏn con cũng có ngày to kếch xù
Nhưng mà cá đã cắn cu
Thả ra tôi nghĩ còn ngu nào tày.
"cắn cu" nghĩa là "cắn câu " ! )

3. Đổi dấu các chữ cho hợp luật thơ ( Tam Đao hiểu là Tam Đảo, cần cu thay cho cần cù ...) bởi lẽ thơ lục bát yêu cầu viết đúng luật bằng (B) trắc (T) .

Câu lục : Các chữ thứ 2, 4, và 6 : - B - T - B

Câu bát : Các chữ thứ 2, 4, 6, và 8 : - B - T - B - B

Mặt khác, hai chữ thứ 6 và 8 của câu bát tuy cùng là Bằng nhưng phải khác thanh, nếu chữ thứ 6 không dấu ( phù bình thanh ) thì chữ thứ 8 phải dấu huyền ( trầm bình thanh ), và ngược lại.

Bốn câu thơ sau đáp ứng tất cả yêu cầu về bằng trắc và về thanh nói trên :

Nắng chia (B) nửa bãi (T) chiều rồi (B)
Vườn hoang (B) trinh nữ (T) khép đôi (B) lá rầu (B)
Sợi buồn (B)con nhện (T)giăng mau (B)
Em ơi (B)hãy ngủ (T) , anh hầu (B) quạt đây (B). ( Huy Cận )

Cái việc sửa dấu thế này trong thơ Bút Tre có lúc làm cho chữ mang một nghĩa khác :

Một lần đến nghỉ Tam Đao,
Loanh quanh không biết chỗ nào để ngu.
Một giường bố trí hai cù
Mỗi cù kiếm một cái mu gối đầu. ( hoặc : Sướng khô đành chịu đến chu nhật về ).

Ngày nay khắc phục gian kho
Ngày mai mới có ấm no tương lài.

Liên Xô rất đỗi tự hào
Anh Ga-ga-rỉn bay vào vũ tru.

Đoàn vừa ghé xuống Mũi Ne
Ngó ra thấy những chiếc ghe thật bừ.

4. Ngắt câu, xuống dòng bất ngờ. Dòng trên chưa hết ý, phải đọc tiếp dòng sau mới hiểu, kiểu như " Lúa ở đồng tôi và lúa ở / Đồng nàng và lúa ở đồng quanh" - Nguyễn Bính ).

Nhớ nhung về thị xã Phan
Thiết tha tơ tưởng cô hàng nước măm.

Anh đi công tác Cam Pu
Chia chiến lợi phẩm ở tù ba năm.

Mời anh vào quán kara
OK em đã mở ra sẵn sàng.

Mấy em mặc váy đánh cầu
Lông bay phất phới trên đầu các anh.

Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ chăn vịt thấy cha chăn ngồng
Thấy em hát nhạc Trịnh Công
Sơn xanh sơn đỏ anh không dám vào.

Lần đầu đến nước Xin-Ga
Po vào rồi lại po ra hại đồ
Tuần sau lại đến nước Bồ
Đào Nha rồi lại đào nhô mệt quà
Thế rồi lại đến nước Hoa
Kỳ đi kỳ lại Cu Ba đây rồi.

Cũng có khi dòng trên đã có nghĩa, nhưng nối với dòng sau lại là nghĩa khác :

Chị em nô nức đặt vòng
Hoa mộ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn.

Tại vì em chẳng có kinh
Nghiệm nên không thể một mình giúp anh.

5. Từ một bài, một câu thơ Bút Tre không rõ tác giả, mọi người có thể thêm bớt, mô phỏng và đưa ra câu khác, không ngại ai nói đạo văn, đạo thơ gì.
Hai câu sau đây, phổ biến từ lâu, hầu như ai cũng biết :

Anh đi công tác Pơ Lây
Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra.

được ai đó thêm vào :

Còn em em ở lại nhà
Cửa mình em mở người ra người vào.
( chắc là lấy cảm hứng từ câu : Chị em du kích tài thay / Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình !)

hoặc sửa một chữ rồi viết tiếp :

... Ku dài dằng dặc biết ngày nào vê
Anh đi công tác Buôn Mê
Thuột xong một cái anh về với em.

Cũng mấy câu quen thuộc khác :

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà
Đồ nhà tuy có hơi già ( hoặc : tuy rất tương cà )
Nhưng là đồ thật chẳng là đồ sơn.

Và nhiều người tiếp tục cải biên :

Chưa đi chưa biết Vũng Tàu
Đi rồi mới biết ta giàu hơn tây
Đúng là họ thiếu vải may
Hai mảnh bé xíu làm vày làm ao.

Chưa đi chưa biết Cà Mau
Đi rồi mới biết không đâu bằng nhà
Cà nhà tuy có hơi già
Nhưng là cà chậm không là cà mau.

Từ hai câu " Nhớ nhung về thị xã Phan / Thiết tha tơ tưởng cô hàng nước măm ", có người đã nối theo :

Vội vàng về thị xã Phan
Rang ngay đậu phụng đón bàn tới thăm.

Và :

Gặp nhau ở thị trấn Phan
Rí ra rí rủm chuyện vàn suốt đêm.

Có thể nói đặc điểm thứ năm này đã làm nên sức sống cho thơ Bút Tre, làm cho nó tồn tại, phát triển, lan truyền rộng khắp. Ai cũng đã từng nghe, từng thuộc, từng làm, từng phổ biến loại thơ này, trong Nam ngoài Bắc, người già người trẻ, trí thức bình dân, có cơ hội là viết cho nhau đọc, đọc cho nhau nghe để cùng cười với nhau. Có khi chỉ là tiếng cười dễ dãi, vô thưởng vô phạt.( Chồng người du kích sông Lô / Chồng em ngồi bếp nướng ngô cháy quần ). Mà đâu chỉ có vậy, đọc đi rồi đọc lại, nghe qua và nghe nữa thì mới thấy tiếng cười của thơ Bút Tre là tiếng cười của truyện tiếu lâm dân gian, của hò vè, ca dao. Nó phản ánh muôn mặt đời sống xã hội một cách trào lộng, châm biếm và nhiều khi ngụ ý phê phán nữa. Người ta thích câu "Mừng ngày bầu cử tự do / Những người xứng đáng thì cho vào hòm " đâu phải chỉ vì tác giả chơi chữ ( hòm = hòm phiếu, thùng phiếu, và hòm = quan tài ) ! Nhiều câu nghe có vẻ ngây ngô, ngớ ngẩn ( Từ trong hang đá đi ra / Vươn vai một cái rồi ta đi vào ) nhưng phải chăng chỉ là sự ngớ ngẩn giả vờ để diễu cợt. ( "... Hàng đầu không biết đi đâu / Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi." " Mấy ông lãnh đạo của mình / Trước rất ghét Mỹ nay hình như thương !" ).

Trên hết thảy vẫn là cái thông minh, dí dỏm thường thấy trong văn học dân gian, không hề thô sơ, thô thiển mà đầy tính nghệ thuật , với nhiều biện pháp tu từ, chơi chữ , nào điệp âm điệp ngữ, ngoa ngữ, nói lái, nào từ đống âm, từ nhiều nghĩa, chuyển đổi từ loại ...

Bốn ông chung một dĩa lòng
Lợn ngồi chễm chệ bên thùng bia hơi.

Con ruồi là giống hiểm nguy
Bốn chân của nó rất vi trùng nhiều.

I-meo anh viết thật bay
Bướm em mong đợi cả ngày lẫn đêm.

Nhà máy sản xuất nhiều mu
Để đem đi bán các chu đội đầu
An toàn ta nhắc nhở nhau
Hễ đi xe máy hàng đầu là mu .

Tất nhiên bên cạnh những người thích thơ Bút Tre vẫn có người không thích, thậm chí chê, nhưng ai cũng phải thừa nhận : hiện tượng thơ Bút Tre, với những đặc điểm về hình thức và nội dung như trên, là có thật, một hiện tượng khá độc đáo chưa từng thấy trong văn học nước nhà. Thơ Bút Tre đã và vẫn đang đi vào quần chúng.

Khen chê thì cũng chẳng sao
Thơ Bút Tre vẫn đi vào quần chung
Chê khen có sái có đùng
Thơ Bút Tre vẫn quần chùng mà ra !

Thân Trọng Sơn
---------------------------
Tài liệu tham khảo :
Wikipedia tiếng Việt.
Thơ Bút Tre đời mới - Nguyễn Vũ Tiềm - nxb THANH NIÊN 2001.

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Gia đình 9p 71-72 THVT chia buồn cùng Hồng Thắm


Thân mẫu của Nguyễn Hồng Thắm vừa qua đời. Gia đình 9P niên khóa 71-72 Trung học Vũng Tàu xin thành thật chia buồn.

(dòng chia buồn muộn, xin thứ lỗi)

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Copy từ email: Đặc San của Nhóm mình đã có mặt


Tran Thi Ai Nhan:

  Các bạn ơi,  BBT mi ni tụi mình vừa hoàn thành xong  nhiệm vụ. Đặc San của Nhóm mình đã có mặt, AN gửi các bạn xem trước mặt mũi của em ấy, còn thì chờ 20/11 các bạn sẽ thấy em ấy trình diện đầy đủ nhe!
Đề nghị các bạn cho thông tin về dự Họp mặt để Nhóm VT biết rõ  chuẩn bị việc đặt ăn cũng như quà tặng được chu đáo nha. Mới thấy có CV báo thôi. Mong phản hồi từ các bạn.
        Cảm ơn Cẩm Vân và Ái Liên đã cho AN biết là hai bạn sẽ nhận chuyển giúp ĐS từ VN đến tay các Thầy Cô và các bạn nhóm Pháp văn ở Mỹ.
        AN đã chuyển 500.000đ của  bạn Huỳnh Thanh Tùng đóng góp cho Ngày Họp mặt cho Mỹ Thắng.rồi.
        Một vài thông tin trong phần việc cho 40 Năm tính đến hôm nay xin báo các bạn rõ. AN
 
        Hình 1  :   Bìa Trước và Bìa Sau.
        Hình 2  :   ĐS  khổ 16x24, 212 trang,  nặng 0, 350kg/ cuốn , gọn nhẹ.
       












Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Hịch khoa học


Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường

Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô-bốt na-ô vào thám hiểm lòng người
Anh, Pháp công nghệ gien chế ra cừu nhân tạo

Thật khác nào:
Đem cổ tích biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng-la-đét ( Bangladesh )
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.

Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May 10, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều
Đường bộ thì Ma-tít, Cam-ry
Đường không leo E-lai, Xi-fic (Vietnam Airlines, Pacific).
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dzô dzô”
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng
Thật là so với:
Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu-tin dùng Mét-vê-đép,
Ta nào có kém gì?

Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần Đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai Lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát-xa giống nghiện “u ét đê” (USD)
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi-rút com-pu-tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na-niếc na- nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên

Cho nên
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? Vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? Toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi-na-shin nổi nổi chìm chìm
Rừng vàng ở đâu, khi bô-xít đen đen đỏ đỏ

Thật là:
“Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!

Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!

Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc-cơ quốc tế
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ

Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu
Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê-mi-na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ

Được thế thì:
Kiếm giải thưởng “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô-ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lếch-xớt, xuống Rôn-roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi-la, ra Rì-sọt
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử
Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây khi nước Việt hóa hổ, hóa rồng, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?

Cho nên mới thảo Hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!


PHẠM XUÂN CẦN
(internet)