"điệu ca ngâm giờ thành khúc nghêu ngao, lần chia tay trong nhung nhớ hôm nào..."...
Tổng số lượt xem trang
Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014
cấm túc tập thể - b.
Tui xin bổ túc và đính chính chuyện kể của anh Kim Hoàng về cái vụ cấm túc tập thể này, theo ký ức nhiều nếp nhăn của tui.
Kể như anh Kim Hoàng thì rằng tụi tui "háu đấm" thái quá, hơi oan, dù tụi tui cũng gây nhiều vụ đụng độ. Thoạt tiên thì như anh Hoàng kể, tụi mình có một giờ trống giữa buổi học, nên tụ tập trước cổng trường chờ giờ học sau. Hai, ba tốp bạn gái ở bên cổng trường, bên nam tụi tui ngồi ở bờ rào nhà thờ đối diện cổng trường. Anh gì đó mà Hoàng gọi là anh Nhàn, thì tui không biết tên mà cũng không biết mặt. Ở Vũng Tàu với nhau còn biết nhau chớ tui ở Rạch Dừa mà lại nhỏ hơn 2 cấp lớp, đâu dễ biết nhau. Anh ấy tới nói chuyện với các bạn nữ (lớp mình), mấy ông thần lớp mình nóng mũi, mới nói chuyện lớn tiếng và pha những tiếng chửi thề. Anh ấy có quay qua lên mặt dạy đàn em là học sinh không nên chửi. Mấy ông thần mình tức lắm nhưng không có lý để cự lại.
Một hồi, anh ấy hút thuốc rồi búng tàn thuốc qua giữa đường trước mặt đám mình. Cái này mới sanh chuyện. Anh dù lớn nhưng là học sinh sao lại hút thuốc, rồi lại búng tàn thuốc thách thức đàn em. Tui nhớ có Trương Thái Hòa lớn tiếng nữa nhưng không nhớ anh Hòa hay Duẩn ra tay. Thế rồi sự việc xảy ra như Kim Hoàng kể, náo loạn trước cổng trường. Đấu tiên mỗi thằng bị mấy anh lớn kéo ra mỗi nẻo. Tui được anh Mươi chăm sóc tận tình. Rồi sau đó, có lẽ vì thấy bị xé lẻ yếu thế quá nên tự động các anh em lui co lại về cổng trường. Mỗi người tự "sắm" cho mình một vũ khí. Ngô Việt rút đòn gánh, Bửu Ngọc phang chai, Lộc đập vỏ chai.v.v... Tui thì tình cờ mấy hôm trước bị người ta rượt trong Bến Đình nên thủ trong túi một sợi sên cam đôi. Bị anh Mười dần cho tơi tả, lúc ngưng uýnh thở giải lao thọc tay túi quần mới nhớ, rút sợi sên xông pha tiếp.
Lớp mình là cái lớp khó trị dưới mắt của Phòng giám thị. (thực ra thì tụi mình cũng đã làm gì nghiêm trọng đâu phải hông?!). Bữa đó các bạn gái có báo cho thầy La Quang Hải hay. Thầy hỏi han đâu đó rồi thầy nói để cho tụi nó trị. Một lát sau tình hình"bi đát" quá, thầy lôi tụi mình ra cự cả đám. Thật ra có nhiều đứa bị oan, như Kim Hoàng, Huy Hoàng có động thủ đâu... Qua hôm sau thầy Bùi Bằng Hãn xuống lớp giảng luân lý, chỉ mặt Kim Hoàng hăm méc Bố Chương, Kim Hoàng khóc sướt mướt.
Hôm sau đi học tiếp, chiều tan trường mới là khủng khiếp. Các băng nhóm giang hồ vì bênh em cháu, lôi mấy thằng 9p ra trước cổng nhà thờ trị tội. Trong đó, các phe đối nghịch tui hông biết, tui chỉ nhớ có phe Be Đen, có anh Tư Hải quân của Trương Thái Hòa. Chính anh Tư giải thoát và đưa tụi tui về. Lúc đó là lúc tan trường, các con đường vì sự hiếu kỳ của học sinh mà ngập đầy các học sinh Trung học Vũng Tàu, Thánh Giu Se, Đinh Tiên Hoàng... Ông Trần Phi Hùng thì cứ ngáo ngáo vác cây đờn của tui quay qua quay lại đụng hết đầu người này đến đầu người kia. Một chiếc xe jeep cảnh sát đến bên tui biểu tui lên xe đặng đưa về. Tui nói tui chưa về được vì bạn tui còn vướng ở đây.
Vụ này đơn giản vậy thôi, nghĩ lại cũng mắc cười cho mình khi bây giờ mình biểu mấy đứa nhỏ nghiêm chỉnh. Mà, nếu rảnh viết thành chuyện như Duyên Anh cũng có khi tưng tửng cái tuổi già...
Mong rằng Phi Hùng, Chung Hoa,và bạn nào nhớ được gì góp vô.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
"làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên"
Trả lờiXóaChí làm trai phải không HD, không phá phách thì còn gì là trai ? vả lại thời chinh chiến ai mà không anh hùng dù vì "một cành hoa" ? nghĩ lại cũng vui.
Nhắc lại chuyện xưa, cũng như nhìn lại những tấm hình cũ trong tập ảnh của Kim Hoàng, lòng hồi hồi. Tuổi xanh đẹp biết bao, yêu thương biết bao, khờ ngốc biết bao...
Trả lờiXóaNguyễn Kim Hoàng không phải khóc vì nhát sợ, mà khóc vì sợ tổn thương cho ông già mình. Đủ biết cái danh dự được trọng thế nào. Tụi mình có phá phách chút đỉnh, nhưng tụi mình không có đàn đúm cà phê thuốc lá. Bặt tiếng chửi thề. Đứa nào hơi hỗn với thầy cô là bị "sốp" liền...
Bây giờ, nhớ lại kỷ niệm xưa không phải để thở dài hiện tại, mà là mắc cười cái tuổi thơ, để nhìn con cháu, nhìn thế hệ trẻ, bằng trái tim thương yêu hơn. Và chặng cuối cuộc đời mong được điểm thêm nhiều nụ cười từ dĩ vãng.