Những người bạn thân thiết lại gặp nhau trên bàn tiệc nho nhỏ. Những câu chuyện tiếp nối không ngơi nghỉ. Vì kết nối các cái bàn theo chiều dài nên có khi ngắt thành hai hoặc ba nhóm, rồi lại có khi nối lại liền lạc. Cứ như vậy, có thể hình dung cảnh bèo mây tan hợp trong một buổi họp mặt nhỏ nhoi của mười mấy con người đã và đang lăn lộn trong cuộc sống.
Chúng ta, lớp Chín P, có trên dưới bốn mươi bạn hữu, nhưng giờ mỗi lần có dịp quây quần lại với nhau thì chưa bao giờ “gom” lại được tới hai mươi. Lần này, ở gần thì thiếu Hải, Thanh Tòng, Mai Liên, Đặng Liên, Tấn Hạnh, Thái Hòa… Ở ngoại quốc thì không thể kể được, như Nu Ni, Ngô Việt, Phụng Nghĩa, Kim Phượng, Sandy Tạ, Đỗ Hùng, Kim Oanh, Ngọc Lan, Cẩm Vân, Ái Liên… Đáng kể là những bạn quý mến ở ngay trên đất nước này nhưng không muốn hay không thể sinh hoạt cùng nhau, là Huy Hoàng, Hồng Thắm, Hương Quê… Lần này cũng hy vọng Ngọc Tuyết xong công việc sớm để ghé về…
Kim Anh, cũng như các bạn tha hương khác, trở về từ một đất nước xa lắc lơ sau mấy mươi năm đằng đẵng. Nghe nói Kim Anh cũng không còn người thân ở Việt Nam. Chỉ vì thương nhớ quê hương và kỷ niệm xưa mà về với bạn bè thôi. Mong bạn mình sẽ có được những ngày giờ vui vẻ cùng bạn bè trong khung cảnh hiện tại chen lẩn những kỷ niệm quý báu của quá khứ.
Kim Anh làm tôi nhớ Kim Oanh. Kim Oanh cũng từ Mỹ trở về Vũng Tàu để mong có được thời gian dài nghỉ ngơi sau những nhọc mệt. Kim Oanh và tôi đã có một buổi trò chuyện cùng nhau. Kim Oanh kể những nếm trải từ chuyện đi thụt lùi để băng qua bức tường Bá Linh sụp đổ, đến sự tiếp sức của NuNi trên đất Tây Đức, đến những lo toan cho con, cháu trên đất Mỹ… Rồi Kim Oanh cũng chỉ thảnh thơi một thời gian ngắn ở Vũng Tàu thôi, vì còn phải trở về với chức phận làm Bà của mình. Kim Oanh kể chuyện với tôi, Kim Oanh khóc. Kim Anh nói chuyện với Phi Hùng, Kim Anh cũng khóc. Tôi thương Kim Oanh, tôi thương Kim Anh. Tôi cũng thương Lộc. Tôi cũng thương tôi. Và thương nhiều người bạn nữa…
Chúng ta đang ở giai đoạn sau của cuộc đời. Tất cả đang ở thời điểm 60, thời điểm của cái máy bắt đầu rệu rã. Năng lực không còn sung mãn, quỹ thời gian không còn nhiều. Đến thời điểm này, càng thấy cái quý giá của cuộc sống. Và tình bạn học trò, qua một quãng thời gian gần trọn đời người, ôi thân quý làm sao!
Ông Trịnh tháng 10.16
Blog Haidan chạy hàng tít thật nổ, thật to (chắc cở 18) mà sao gần hai mươi (20) tấm hình Việt kiều áo gấm không thấy có Haidan hiện diện, chắc còn lo chạy bàn và ... thu tiền (đô) quá, hahahaha ..........
Trả lờiXóa