Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

nồi bánh chưng


"Thấp thoáng" những nồi bánh chưng nơi góc phố Hà Nội
(Dân trí) - Hàng lá rong mếu máo vì doanh số thụt giảm non nửa. Người tiêu dùng cũng uể oải, tặc lưỡi mua sẵn 1-2 cặp bánh cho đủ lệ bộ tết. Bánh chưng nơi phố sá tết này chỉ còn “hỉ hả” không khí ở những gia đình quyến luyến với lệ cũ tục xưa.
Lá dong gỡ gạc ở “cửa”… xuất ngoại
Chợ lá dong cửa ga Trần Quý Cáp ngày cận tết vẫn ngồn ngộn hàng chồng hàng đống lá xanh, lạt trắng. Nhưng số bàn bán lá thưa hơn, co hẹp hơn diện tích về sát nhà ga. Kẻ bán, người mua kém hẳn vẻ tấp nập, khẩn trương so với cảnh thường thấy.
 
Được mùa, lá rong đẹp, đều nhưng lại ít khách.
2 vị khách đứng tuổi dừng xe trước một sạp lá, mặc cả, cân nhắc và quyết định lấy 10 bó lá (khoảng 500 tàu), giá 30.000đ/bó. Người mua cho biết thường ngày nấu xôi bán sáng. Cận tết một số khách quen nhờ, các chị cố gắng làm trăm bánh kiếm thêm một khoản chi dùng. Nhanh tay lựa bỏ một vài tàu lá bị rách, người phụ nữ dáng gầy, nhỏ hơn nhận xét, lượng người đặt bánh năm nay ít hơn mọi năm, cũng không có người mua số lượng lớn. Khách “sộp” nhất đặt được 10 chiếc bánh, còn lại hầu hết mọi người chỉ lấy 3-5 chiếc bày bàn thờ cho đủ hương vị tết.
Giá thực phẩm, nguyên liệu từ gạo, đỗ, thịt, than, củi đều cao nên giá thành một chiếc bánh bán ra các chị tính mức tối thiểu cũng phải 60.000đ (đắt hơn năm ngoái 10.000-15.000đ/chiếc).
 
Màu sắc, hương vụ tết...
 
Bà chủ sạp lá số 1B Trần Quý Cáp cũng thở dài than lượng lá bán được năm nay chỉ bằng 1/2 tết trước, “hụt” nhiều nhất ở nhóm khách mua lẻ, khách gói bánh “tại gia”. “Không khí chung mọi người ít hào hứng, thời điểm này vẫn dửng dưng với tết, với bánh lắm. Chỉ còn thấy những khách hàng “trung thành”, những gương mặt quen nhẵn qua nhiều tết vẫn tìm đến chợ lá. Tâm lý chung nhiều người chán… tết, bỏ không làm gì, mỗi nhà chỉ mua ngoài vài ba chiếc bánh để bày bàn thờ, thắp hương cho đủ lệ bộ” – bà chủ tên Đỗ Mai Loan lý giải.
 
Chỉ còn những người quyến luyến không khí tết cổ truyền vẫn hỉ hả chuẩn bị gói bánh chưng.
Thời tiết thuận, lá dong năm nay đẹp, đều, không bị sâu nhưng giá cũng cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi năm ngoái. Đến thời điểm này, cửa hàng nhà chị đã bán được khoảng 60 vạn lá, chậm hơn nhiều năm trước. May là lường trước bối cảnh khó khăn chung, chị lấy hàng cầm chừng, về đến đâu cũng bán gọn được tới đó. Giá bán cũng đứng vững, thời điểm cận tết này vẫn 500.000đ/đai lá, không bị tụt hẫng xuống (giá lá tết trước khoảng 200.000đ/đai lá).
Gỡ lại cửa tiêu thụ cho mùa lá dong năm nay, chị Loan cũng kể thật, là ở “cửa”… xuất ngoại. Lượng khách đặt lá mang đi nước ngoài tăng mạnh. Trong số 60 vạn lá cửa hàng tiêu thụ được có non nửa là hàng xuất đi Nga, Nhật, Hàn Quốc, Úc… Vừa đêm qua, cả nhà chị phải thức đến quá nửa đêm đóng gần chục tạ lá đi Nga.
 
"Kho" lá vẫn ứ đọng dù chỉ còn 2-3 ngày là tết.
“May là bà con mình vẫn có điều kiện để quyến luyến không khí tết” – bà chủ sạp lá cười gỡ gạc.
Nồi bánh đỏ lửa trên vỉa hè
Hàng lá mé ngoài chợ, cô Nguyễn Thị Oanh (ngách 33/3 ngõ Văn Chương) đang lật giở chọn 200 tàu lá. Nhà ở khu tập thể, cô được cả xóm “đặc cách” nhiệm vụ chuẩn bị đồ gói bánh. Chưa tính được cụ thể giá cả nhưng đã thành thói quen, năm nào cũng thế, hàng xóm láng giếng cùng tập trung gói bánh cho có không khí tết. Nồi bánh kỳ công đêm mai sẽ được luộc bằng bếp củi cho đúng “chất”, không khác gì hội trại giữa sân khu tập thể.
 
Nồi bánh chưng vỉa hè giữ sức hút với phụ nữ, trẻ nhỏ trong nhà.
Đối diện với chợ lá Trần Quý Cáp, trên vỉa hè phía ngoài một con ngõ nhỏ bé, sâu hun hút, một thùng phi bánh cũng đang sôi lục bục trên bếp củi nỏ lửa. Ngay phía trước là miệng cống, nước thải dồn về, liếm cả lên rìa đường, 2 bên là quán hàng, là mái hiên di động, cái góc lúp xúp quanh nồi bánh vẫn hỉ hả những gương mặt phụ nữ, trẻ nhỏ.
Cụ bà Phan Thị Bún (79 tuổi), mái tóc bạc gần hết, vừa kéo khăn chấm đôi mắt nhoèn nhoèn vì khói bếp, vừa vun thêm trấu 2 bên vào lòng bếp. Ngồi bệt trên bao trấu đã tãi ra quá nửa, con gái cụ Bún bế trên tay cậu con trai đã mệt nhoài, ngủ gục sau nửa ngảy lăng xăng “quần đảo” vỉa hè bên nồi bánh để nướng ngô, nướng khoai.
 
Một góc lúp xúp đỏ lửa đầy không khí tết bên hè phố.
Chiếc nồi thùng phi có 25 chiếc bánh để chia cho 5 gia đình con cháu trong nhà cùng tập trung về từ chiều tối qua để gói rồi nổi lửa luộc bánh từ 6h sáng. Tất cả con cái, râu rể đều sắp xếp về nhà ngày gói bánh để 6 đứa trẻ con được “ăn tết” trọn vẹn.
Tay gói chính - bác dâu trưởng trong nhà cho biết, thực phẩm năm nay đắt đỏ, nhà lại chọn loại nếp nương Điện Biên ngon nhất để gói bánh bên giá thành tính ra phải tầm 45.000đ/chiếc bánh, mỗi nhà chỉ vài chiếc nhưng vui. Cả nhà đang háo hức chờ đến đúng 6h chiều (luộc đủ 12 tiếng đồng hồ) để vớt bánh, nếm thử còn nhường nồi cho một nhà khác trong xóm dùng đêm nay.
 
Thăm dò với chiếc bánh đầu tiên - lá gói xanh mướt.
Nhà hàng xóm là quán cà phê Hiền Hòa (44 Trần Quý Cáp) cũng đang lóc nhóc con cháu người gói, người chẻ củi, chuẩn bị nhóm lò. Bà chủ quán đang ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu trải dưới chân cầu thang tay thoăn thoắn cắt lá, đổ gạo, xếp thịt, buộc lạt. Chồng bánh thành phẩm bên cạnh đã xếp cao ngang ngực.
Chiếc bánh cuối cùng cho nồi bánh đêm nay nổi lửa.
Cô Hiền kể, một năm đi mua bánh bán sẵn, lúc bóc thấy lá gói còn két nguyên bùn đất, ăn miếng bánh trệu trạo vì sạn. Vậy là ông xã phán: “Thôi, mình cứ đùm sao thì đùm nhưng phải tự làm, tự gói cho yên tâm, lại có cái cho con cháu tíu tít”. Vậy là dù nhà bán hàng, bận thế nào thì bận, gia đình cũng tập trung gói bánh.
“Tính ra giá thành mỗi chiếc bánh năm nay lên tới 40.000đ trong khi tết trước, cả tiền than gas, củi lửa cũng chỉ vào 25.000đ/chiếc. Mua bên ngoài bánh tương đương phải 60.000đ. Mấy chục chiếc bánh cho 3 nhà cũng đỡ được tới tiền triệu” – cô Hiền nhẩm tính.
Phương Thảo - Quang Phong




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét