Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Thăm thầy Độ.


Hồi sáng hôm qua tôi vô Saigon ghé thăm Thầy. Dùng từ ghé nghe mà buồn bã. Vì phải đợi có công chuyện vào Saigon, nhân tiện mới ghé thăm Thầy được, chứ không phải chuyện thăm Thầy là chính. Sao tôi không ghé thăm Thầy từ khi biết tin Thầy lâm bệnh? Sao tôi phải đợi Thầy có bệnh tôi mới ghé thăm?... Lòng của đứa học trò này quả thật thẹn thùng.

Khi tôi bước vào, Thầy đang nằm khép mắt trên giường. Rồi Thầy mở mắt nhìn lên người vào thăm. Tôi không có những cảm xúc trào dâng như thời trước, tôi chỉ còn những cảm nghĩ cô đọng của những nỗi niềm dồn nén do tuổi đời chất nặng. Những quãng thời gian quá khứ thoáng về trong chốc lát.

Tôi hỏi Thầy: hồi đó em ra Nam Hà, Thầy có ra Bắc không? Thầy trả lời: ra Sơn La. Mấy năm Thầy về? Mười năm. Trời, vậy là Thầy hơn tôi tới ba năm… Vào thời điểm năm tám mấy, tôi lầm lủi đi trên đường Điện Biên Phủ, thấy Thầy xách cạc táp rảo nhanh bước bên kia đường. Vốn mặc cảm tự ti sau những ê chề, tôi không dám chạy theo, cũng không dám gọi Thầy, chỉ thầm nghĩ, vậy là Thầy cũng có công việc để đứng trong xã hội này, mừng Thầy.

Hồi ở đồi Phượng Vỹ, K3 Gia Ray Long Khánh, nơi đối diện với ngọn núi Chứa Chan hùng vĩ, mà mọi người gọi lái lại là Chán Chưa, nhiều buổi tối tôi xuống mé lán trại dưới, nơi Thầy ở, để được nghe Thầy và Bác Thanh (ba của Cẩm Vân, Giang), trải poncho giữa sân hóng mát, trò chuyện.
Thấy tôi ốm yếu, Thầy gởi tôi cho bác sĩ Nguyễn Duy Đương. Mỗi khi tôi bị cảm hay đau nhức khớp xương, lên khai bệnh, đều được BS Đương cho nghỉ bệnh. Cũng kể thêm, lúc đó có hai bác sĩ quân y “cải tạo” chung với chúng tôi là BS Nguyễn Duy Đương ở Vũng Tàu và BS Mã Thạnh Truy Phong ở Bà Rịa. Hai ông được phân công tham gia điều hành trạm y tế trại. BS Đương dễ dãi với mọi người, hoặc với tôi do có Thầy gởi. Còn BS Phong thì khó hơn, bắt tôi lên giường nằm dài để ông kéo chân so dài ngắn, rồi phán có sao đâu mà phải nghỉ lao động. BS Phong sau này ra Nam Hà nhờ tôi viết tay giùm cho tài liệu Đông Tây y khí hóa học do Thầy Dịch Lý của tui đọc miệng.

Một buổi chiều chạng vạng, tôi được đọc tên để cùng bao nhiêu người xuống tàu Sông Hương ra tham gia xã hội chủ nghĩa ở ngoài Bắc. Tôi hoang mang không biết Thầy và Bác mình nơi mô. Hoang mang cho tới lúc dưới khoang tàu cũng không thấy đâu, tới lúc lên trại cũng chẳng thấy đâu. Chỉ sau này cách nay 2, 3 năm đọc một bài viết trên Sóng Biển của một môn huynh mới biết Thầy có ra Bắc.

Thời gian gần đây, nhờ các bạn khối A tổ chức những buổi họp mặt, tôi biết tin Thầy rõ hơn. Hôm họp mặt toàn thể cựu học sinh Trung học Vũng Tàu tôi không tham dự, nhưng nhìn thấy hình trên FB, một chị bạn nữ mớm thức ăn cho Thầy, mà bàng hoàng và lòng buồn vô hạn. Rồi liên tưởng đến nhiều quý thầy cô nữa.

“chào mừng Thầy Cô hội ngộ
thấm câu tan hợp bèo mây
bao niềm Thương kính nơi đây
còn bao Kính thương xa vắng…”

Hôm gặp Thầy ở buổi kỷ niệm 40 năm rời trường, nhìn thấy Thầy được xúm xít bao quanh bởi nhiều học trò thân thương, tôi chỉ chào Thầy rồi dang ra, nhìn và cảm thấu…

Hôm nay cũng vậy. Không dám làm phiền Thầy đang dưỡng bệnh, nên chỉ đâu chừng dăm phút đành cùng với bé Mén cáo lui, không dám hỏi han nhiều, nấn ná lâu. Lúc chia tay Thầy giơ tay để nắm nhau mấy lần, và sắc diện Thầy cũng hồng hào hơn, linh hoạt hơn. Có lẽ là do nãy giờ có hoạt động. Tin rằng đó là tín hiệu chứng tỏ Thầy sẽ sớm hồi phục. Cảm ơn Cô, cảm ơn anh Danh, cảm ơn gia đình đã cho chúng tôi một khoảnh khắc thân kính này cùng với sự thân thiết của gia đình.

Ra về mà đầu óc cứ quắt quay những kỷ niệm xưa.

Nhớ lúc Thầy giảng bài năm xưa. Cả lớp đang im phăng phắc lắng nghe, thì thằng ông địa nào ngồi kế bên tôi, bây giờ không nhớ, nói chuyện hơi lớn tiếng. Thầy quay về phía tôi và chỉ tay nói: Sortir dehor la classe! (ra khỏi lớp) (ông Bùi Hữu Nghĩa và quý bạn đừng cười, vốn Pháp ngữ của tui đã rất tệ hồi còn đi học, huống chi bây giờ). Tui đành đứng dậy đi ra ngoài cửa lớp mà lòng vừa tức vừa mắc cười cái thằng ông địa kia.

Nhớ buổi chia tay cuối năm lớp Chín. Chúng tôi đọc văn tế để “tống táng” Chín P, vì năm sau sẽ rã bầy, người đi về nơi khác, người ra chiến trường, người còn ở lại thì cũng phân ban. Đó cũng là buổi nhắc nhớ những người bạn đã chia tay trước đó. Và lớp chúng tôi được hân hạnh (duy nhất chỉ) có Thầy đứng chứng kiến tại cửa lớp, do Thầy vô tình đi ngang qua.

Sau này nhiều người đả kích tư tưởng Nho giáo. Người ta đả kích “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” đã đành, cái này trước đây cũng đã bị phê phán nhiều. Nhưng người ta cũng đả kích “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Cái nhân của Nho giáo có khác với cái từ bi của đạo Phật và cái bác ái của Thiên Chúa giáo không? Và những cái nữa như cái trí, cái nghĩa…Những điều tranh bác`này xin nhường cho các quý vị có cao kiến. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta đã và đang thấy đầy rẫy trong xã hội hiện tại, những kẻ bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất trí, bất tín… nó ra như thế nào rồi.

Ý chính là tôi muốn nhắc đến chữ Sư trong tam cang. Dù ai nói ngữa nói nghiêng như thế nào, tôi vẫn luôn nhớ câu “một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy”, huống hồ Thầy đã cho mình cùng với chữ nghĩa là nhân sinh quan và phẩm hạnh ở đời.Thầy, cùng với quý Thầy Cô khác, là những người Thầy suốt đời của tôi. Và của tất cả chúng ta, phải hông!.

Tháng 10.2016

4 nhận xét:

  1. Cám ơn bài viết của ban làm tôi nhớ tới ngươi cha khuất bóng, người đã cung chung hoàn cảnh với bạn, với thày và nhiều người nữa đã vĩnh viễn ra đi hay còn lây lất chốn nào..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba tôi cũng nằm xuống ở Sông Thao Vĩnh Phúc. May mắn là tôi đã đưa hài cốt ông cụ về. Còn nhiều hài cốt nữa nằm chen nhau ở các` rẻo núi, không biết giờ ra sao.

      Xóa
  2. Một bài văn hay, một kỷ niệm buồn, cám ơn anh. Cầu xin cho Thầy sẽ sớm bình phục.

    Trả lờiXóa
  3. Thua ban Hai Dan, tôi là Yen nguyên với bút hiệu Sydney Trân.Toi chỉ gởi cho bạn mọt comment với tên Yen Nguyên như bạn đã đăng trên,còn comment thứ ba lấy tên Sydney Trần trong bài của bạn viết về thày không phải của tôi.Tuy nội dung lành mạnh nhưng tôi xin đính chính vì có thêm một nhân vật dùng trùng bút hiệu nay. Chân thành cám ơn sự lưu ý của bạn.KIM YẾN (A2)

    Trả lờiXóa