Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

trùng khánh




Trong giây phút lãng mạn, người viết này có mơ đến ngày về hưu thì sẽ... viết kịch! Nhưng coi như chuyện ấy khó thành vì những gì được thấy từ Trùng Khánh, dù chỉ một phần, cũng có thể khiến thiên tài Shakespeare, tác giả Bi kịch Macbeth, phải giải nghệ. Vì tưởng tưởng chưa tới....  Người viết tầm thường này đành trở lại nghiệp bình luận, nói chuyện về Trùng Khánh và vụ Bạc Hy Lai ngã ngựa.



Trước hết là về bối cảnh, tiền trường và hậu trường...

Mùa Thu năm nay, có thể vào Tháng 10, Đảng Cộng sản Trung Hoa có Đại hội khóa 18. Qua "Thập Bát Đại", 2.270 đại biểu của hơn 80 triệu đảng viên sẽ bầu ra Ban chấp hành Trung ương gồm hơn 350 Trung ương Ủy viên và Dự khuyết. Rồi Ban Chấp hành bầu ra Tổng bí thư đảng, và Bộ Chính trị gồm 25 Ủy viên - bên trong có chín người của Thường vụ Bộ Chính trị - và hơn chục ban bệ khác của đảng. Từ đấy mới có những người sẽ lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ, quân đội, v.v... Đấy là mặt tiền. Là dân chủ tập trung, từ dưới lên!

Thực tế nơi hậu trường thì mọi việc phải do Bộ Chính trị của Đại hội 17 chuẩn bị từ trước.

Đại hội năm nay có tầm quan trọng 10 năm mới thấy một lần, là đề cử thế hệ lãnh đạo thứ năm, sau các thế hệ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Trong cơ chế quyền lực tối cao là Thường vụ Bộ Chính trị sẽ chỉ có hai người ở lại: Phó Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cương, với hy vọng lên thay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo kể từ đầu năm tới. Hai nhân vật này đã được cân nhắc, chọn lựa và cất nhắc từ Đại hội 16, 10 năm về trước. Cũng theo tinh thần này, Đại hội 18 sẽ cân nhắc và chọn lựa trước những đảng viên trẻ sẽ là thế hệ lãnh đạo thứ sáu, cho 10 năm sau.

Còn lại Đại hội 18 sẽ chọn bảy Ủy viên mới của Thường vụ Bộ Chính trị trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị hiện nay. Việc đề tử "thất hiền" đó là trận thế của nền dân chủ "với màu sắc Trung Hoa", và theo "định hướng xã hội chủ nghĩa"....

Trong số các Ủy viên Bộ Chính trị có triển vọng được vào Thường vụ có Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh từ gần năm năm trước, sau khi đã là Bộ trưởng Thương mại và Bí thư Liêu Ninh. Bạc Hy Lai là con trai của công thần Bạc Nhất Ba, một trong "bát đại nguyên lão" từ thời Cách mạng dựng nước. Vì xuất xứ đó, Bạc Hy Lai được coi là thuộc "Thái tử đảng". Dù Bạc Nhất Ba từng là nạn nhân của Mao trong cuộc Đại Văn Cách, Bạc Hy Lai vẫn trung thành với đảng và còn đặc biệt tôn sùng Mao Trạch Đông.

Thành tích của Bạc Hy Lai là phát triển thành phố Trùng Khánh có hơn 30 triệu dân lên hạng siêu quần.

Là một trong năm đơn vị hành chánh do Trung ương quản lý, Trùng Khánh khác hẳn bốn thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân hay Quảng Châu, vì bị khóa trong đất liền. Chứ không mở ra buôn bán với thế giới bên ngoài như các tỉnh, thành duyên hải.

Vậy mà nhờ Bạc Hy Lai, Trùng Khánh vẫn đạt mức tăng trưởng cao nhất khi các tỉnh thành kia đều sa sút vì nạn suy trầm toàn cầu - mà lại khá công bằng đáng kể về lợi tức. Nơi đây, người người đều an vui với tốc độ đô thị hóa rất nhanh mà chả thấy có khiếu kiện về nạn cướp đất và thôn dân còn có vẻ khá giả hơn thị dân. Và Trùng Khánh cũng thu hút được đầu tư ngoại quốc để trở thành một trung tâm sầm uất.

Bí quyết của họ Bạc là trung ương tại Trùng Khánh quyết định mọi việc chi thu hay đầu tư và ban phát phúc lợi chứ không dại gì cho các đơn vị hay doanh nghiệp ở dưới được tự do như trong các tỉnh thành duyên hải miền Đông. Nhờ vậy, người ta nói đến "Mô hình Trùng Khánh", với triển vọng trở thành mẫu mực và thí điểm mà các nơi khác có thể áp dụng.

Ưu thế của Trùng Khánh còn nổi bật ở nỗ lực trị an của họ Bạc.

Là một trung tâm của các tổ chức tội ác, loại "mafia" với màu sắc Trung Hoa, hay các hội kín bí hiểm được gọi là "Tam Hợp", Trùng Khánh được Bạc Hy Lai khai quang: mọi sự cấu kết giữa đảng viên cán bộ cường hào ác bá với tổ chức tội ác của xã hội đen đều bị quét sạch. Đấy là chuyện mà Bạc Hy Lai gọi là "đả hắc" - diệt xã hội đen – dù là khi càn quét như vậy, họ Bạc cũng hơi nặng tay vì nhân đó dẹp hết mọi sự chống đối quyền lực và quyền lợi của mình!

Thủ túc đắc lực và thân tín của họ Bạc trong nỗ lực nhổ cỏ dại là Giám đốc Công an Vương Lập Quân, võ sĩ gốc Mông Cổ được đưa từ Liêu Ninh về. Là bí thư đảng trong bộ máy công an Trùng Khánh, Vương Lập Quân được cất nhắc lên kiêm nhiệm chức vụ Phó Thị trưởng thành phố.

Với thành tích "phát triển bình đẳng", Bạc Hy Lai còn đề cao tư tưởng công bằng từ gốc, từ họ Mao. Cho nên cùng với thành tích "đả hắc", họ Bạc mở chiến dịch "thanh hồng": đoàn ngũ hóa quần chúng dưới lá cờ đỏ, tiếng ca ái quốc và khẩu hiệu sùng Mao. Không chỉ là một thí điểm phát triển, Trùng Khánh còn có khả năng bảo vệ sự trong sáng của chế độ theo đúng tư tưởng Mao Trạch Đông.

Nhờ vậy, họ Bạc trở thành khuôn mặt sáng của phái "Tân Tả", thành phần thủ cựu nhất. Lại sẵn tư thế là con trai Bạc Nhất Ba, Bạc Hy Lai xây dựng quan hệ tốt với nhiều tướng lãnh, nhất là những người trong Lộ quân thứ 14 do thân phụ thành lập năm xưa. Đó là mặt tiền.

Mặt hậu của họ Bạc cũng là mặt dầy không kém.

Bạc Phu nhân là luật gia khét tiếng vì đã từng thắng kiện tại Hoa Kỳ. Nhũ danh Cốc Khai Lai, phu nhân ta cũng là con cháu công thần, Tướng Cốc Cảnh Sinh - sĩ quan của trận đánh Việt Nam năm 1979 - họ bên ngoại còn là hậu duệ của danh sĩ Phạm Trọng Yêm nổi tiếng từ đời Tống. Trong khi hoạn lộ của chồng thênh thang mở rộng, Cốc Khai Lai cũng ra sức làm ăn và trở thành khá giả với doanh nghiệp tên là "Horus L. Kai": Horus là tên một nữ thần của Ai Cập thời cổ chứ chẳng tầm thường gì đâu! Có phiên âm thì sẽ ra cái tên rất kỳ, là Hà Lỗ Tư. Hà Lỗ Tư Khai?!

Con trai của hai người là Bạc Qua Qua được gửi qua Anh học trong trường ốc trung học rồi đại học của quý tộc đại gia và nay đang là sinh viên Harvard bên Mỹ. Là con dòng cháu giống, cậu Bạc Qua Qua này học như chơi và chơi hơn quý tộc Âu Châu hay tư bản Mỹ. Với chiếc Ferrari cáu cạnh vừa cắt chỉ - dĩ nhiên phải là màu đỏ - cậu đã từng vào tư thất của Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh mời con gái Đại sứ Jon Huntsman du ngoạn và trước đó, mắng cả cảnh sát!

Báo chí xấu miệng thì nói vậy, chứ sự thật thì Bạc Hy Lai mới xứng là ngôi sao với vẻ mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.

Mọi người đều công nhận họ Bạc có tư thế và bộ điệu của một nghệ sĩ Tây phương, hoặc chính khách Âu Mỹ. Vốn dòng ngớ ngẩn, truyền thông Mỹ sánh Bạc Hy Lai với Tổng thống John Kennedy. Tài hoa, đẹp trai, ăn ảnh và áo khăn dịu dàng giữa các đồng chí xám xịt trong bộ điệu cứng ngắc với nét mặt nghiêm và buồn! Bạc Hy Lai chuẩn bị sự nghiệp trở thành "thất hiền" như người đang tranh cử tại Mỹ vậy! Với rất nhiều màu sắc tôn sùng cá nhân.

Đó là về bối cảnh.

Thế rồi một buổi chiều.


***


Hôm mùng sáu Tháng Hai, trùm công an là Vương Lập Quân bỗng dưng giả dạng thường dân, đi xe mang số ẩn tế, từ Trùng Khánh qua thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên vào thẳng tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô. Một ngày sau ông mới trở ra và được công an dàn chào ở ngoài rồi đưa đi mất biến. Chính thức là được "an dưỡng" tại Bắc Kinh vì lao lực. Thực tế là bị điều tra.

Nội vụ đổ bể vì có tin là Vương Lập Quân vào sứ quán Mỹ xin tỵ nạn, đem theo nhiều hồ sơ mật liên quan đến chuyện tham ô và tội ác của thượng cấp cùng gia đình.

Hiển nhiên là ở cấp bậc đó, họ Vương cũng biết rằng Chính quyền Barack Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ không thể đáp ứng đòi hỏi đào tỵ này. Huống hồ là sau đó có mấy ngày Phó Chủ tịch Tập Cận Bình lại chính thức thăm viếng Hoa Kỳ. Nhưng, chắc là viên Giám đốc Công an này lâm vào đường cùng và lo cho tính mạng vì cũng biết là đã đụng vào cái vẩy ngược của con rồng bạc.

Sau đó là một trận lụt về tin tức, tin đồn và những quyết định quái lạ.

Hôm 15 Tháng Ba, ngay sau 10 ngày của Hội nghị kỳ Năm của Quốc hội khóa 11 vào Tháng Ba, Bạc Hy Lai mất chức Bí thư Trùng Khánh. Rồi Thứ Hai mùng chín vừa qua, ông bị đuổi ra khỏi - lần lượt - Bộ Chính trị và Trung ương đảng. Lý do là "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" - diễn giải theo lối khán giả ngồi xem vở hát bội này là "tham nhũng".

Thông báo chính thức của Bắc Kinh còn cho biết Bạc Phu nhân là Cốc Khai Lai cũng bị câu lưu – ngôn từ chính thức là "giao cho công lý" – vì liên hệ đến một vụ án mạng.

Sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai coi như kết thúc.

Chuyện tù tội của Bạc Ông và Bạc Bà có thể đã bắt đầu, theo thứ tự điều tra lần lượt của ban Kỷ luật Trung ương, rồi công an, sau đó mới đến toà án. Những chuyện này có lẽ ngày nay ai ai cũng đã biết. (Từ mấy tháng nay, người viết đã nhiều lần có dịp trình bày về "Mẫu mực Trùng Khánh" và Bạc Hy Lai nhưng vẫn phải nhắc lại ở trên vì chuyện này quá sức rắc rối)


Sau đây mới là lời bàn....

***


Bạc Hy Lai có một hai người thân tín, trong đó một doanh gia người Anh, có thể là quản gia và ông cò về kinh doanh cho Cốc Khai Lai. Quản gia khi lo cho cậu ấm Bạc Qua Qua qua Anh vào học loại trường mà thường dân có khi phải ghi danh từ khi... vừa ra đời mà chưa hy vọng. Và ông cò là khi thu xếp việc giới đầu tư gặp gỡ Bạc Bà. Thế rồi vì chuyện "quân phân bất tề", nôm na là chia chác không đều, mà ông Neil Heywood này bỗng đột tử vì uống rượu dù chẳng là tay nghiện rượu. Và thi hài được công an Trùng Khánh lập tức hỏa táng mà khỏi cần giảo nghiệm.

Vương Lập Quân có thể đã có chứng cớ về quan hệ bất chính của họ Bạc với các tổ chức tội ác mà còn cho thượng cấp biết rằng mình nghi là có bàn tay của bà nhà trong cái chết của Neil Heywood.

Sau những biến động Tháng Hai của vụ Vương Lập Quân muốn đào thoát, và những tin đồn về cái chết mờ ám của Neil Heywood, Chính quyền Anh bèn yêu cầu Bắc Kinh mở cuộc điều tra. Nhờ vậy, người ta còn biết là trước khi vào toà Tổng lãnh sự Mỹ, Vương Lập Quân đã tính vào tòa Tổng lãnh sự Anh và sau đó mới gõ cửa Hoa Kỳ. Và trước khi Neil Heywood chuyển sang từ trần thì đã tỏ vẻ âu lo cho an ninh và tính mạng của mình vì nằm trong tầm nhắm của Bạc Bà.

Bi kịch Bạc Hy Lai vì vậy có đầy đủ kích thước quốc tế của truyện gián điệp chính trị giả tưởng. Nhưng đó là chuyện nhàm, ở ngoài da.

***

Chuyện sâu xa hơn nằm ở khía cạnh quốc nội.

Ngay sau khi Bạc Hy Lai mất chức Bí thư Trùng Khánh đã có tin đồn là họ Bạc đã tính cùng với Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nhân vật thứ chín trong đảng và là Trưởng ban Chính pháp Trung ương, tiến hành đảo chánh. Ban Chính pháp Trung ương thực tế chỉ huy hai bộ phận là nội vụ (Bộ Công an) và an ninh tình báo (Bộ Quốc an hay An toàn Quốc gia). Chu Vĩnh Khang là người đến lúc cuối vào Tháng Ba, duy nhất trong đám "thất hiền", vẫn tìm cách cứu lấy sự nghiệp Bí thư Trùng Khánh của Bạc Hy Lai. Họ Chu sẽ ra đi sau Đại hội 18 và có lẽ chuẩn bị cho họ Bạc sẽ kế nhiệm trong vai trò trùm cớm và trưởng lưới tình báo trung ương.

Nếu hai họ Chu và Bạc lại cùng một số tướng lãnh tính chuyện "quốc sự" ngay trước Đại hội 18 thì quả là nghiêm trọng.

Người ta khó biết được sự thật trong nền dân chủ tập trung đặc quánh như vậy.

Nhưng lãnh đạo không thể yên tâm. Sau khi họ Bạc mất chức Bí thư Trùng Khánh, dân chúng đồn đãi linh tinh trên mạng, nhiều phe nhóm cực tả hay Maoít - trong cánh Tân Tả của họ Bạc - còn bênh vực đường lối Mao Trạch Đông và thành tích của Bạc Hy Lai tại Trùng Khánh. Mà chuyện ấy vẫn xảy ra sau khi Tổng lý Quốc vụ viện là Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu trước Quốc hội hôm 14 Tháng Ba, rằng thành quả của Trùng Khánh là của nhiều cơ sở hành chánh – không của riêng Bạc Hy Lai – và rằng Trung Quốc đang gặp nguy cơ khủng hoảng như trong cuộc Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại thời 1966-1976. Một lời cảnh báo cực kỳ nghiêm trọng khi được công khai hóa.

Truyện trinh thám của xã hội đen dưới lá cờ đỏ bỗng thành chuyện quốc sự. Quốc sự ở chỗ nào?


***


Cho tương lai trước mặt, lãnh đạo Bắc Kinh hay Bộ Chính trị có ba ngả đường.

Cải cách hơn nữa, kể cả kinh tế lẫn chính trị. Đó là chủ trương của một số người, nhất là thị dân và trí thức, trong đó có Bí thư tỉnh Quảng Đông là Uông Dương, người cũng hy vọng bước vào cõi "thất hiền". Ngả thứ hai là trở lại đường lối cào bằng và tập trung quyền lực theo kiểu Mao Trạch Đông. Họ Bạc đang nắm lá cờ đó, với hậu thuẫn của nông dân, một số sĩ quan hay những đứa trẻ đang tập sự làm Vệ binh đỏ. Ngả thứ ba là hãy cứ từ từ mà tính, dù có gì thì phải giữ nguyên trạng, chứ đứng tiến quá ra thành phố mà cũng chẳng lùi vào nông thôn. Hãy trung dung và "kiến cơ nhi tác".

Thật ra, ngoài áp lực dù sao vẫn vô hiệu của quốc tế, phe cải cách này vẫn chưa đủ mạnh và nhóm chủ trương bảo vệ nguyên trạng vẫn có thể dung hoà hoặc xử lý được. Chứ phe thủ cựu theo kiểu "Tân Tả" có khi lại là vấn đề. Và nếu chặt lá cờ đầu trong tay họ Bạc, triều đình ở trên có thể bị loạn. Vì vậy, Bạc Hy Lai phải ra đi.

Nhưng không như là nạn nhân của một vụ đấu tranh chính trị mà vì dính líu đến cái tội rất phàm, chẳng ai dung tha được: tội sát nhân!

Không chỉ đốn ngã Bạc Ông, Bộ Chính trị và đa số theo chủ trương bảo vệ nguyên trạng, phải dìm Bạc Bà xuống rãnh. Dù Mao có sống lại thì chẳng ai còn bênh vực nổi những kẻ đã tham ô, có quan hệ với tổ chức tội ác, lại còn can dự vào một vụ giết người. Mà là người ngoại quốc, của xứ Hồng mao!

Cho nên chiến dịch thanh quang Trùng Khánh có thể là kết quả của một quyết định chiến lược về tương lai.

Nhưng tại sao người viết lại suy đoán như vậy?

***


Vì cùng lúc có tin họ Bạc ngã ngựa và mất cả yên cương lẫn cái phao rất mềm ở nhà, Trùng Khánh bỗng dưng có biến!

Cả vạn người trong quận Vạn Thịnh ở ngoại thành Trùng Khánh tại phía Đông Nam đã biểu tình trong hai ngày 10 và 11 và đụng độ với cả ngàn công an. Họ xuống đường phản đối dự án sát nhập Vạn Thịnh vào quận Kỳ Giang, cũng thuộc Trùng Khánh ở phía Nam. Họ phản đối vì dự án sẽ gây thiệt hại cho kinh tế và phúc lợi của Vạn Thịnh vốn có dân số gần ba mươi vạn, chỉ bằng một phần ba của Kỳ Giang. Ngẫu nhiên sao, người khởi xướng dự án sát nhập này lại là Bạc Hy Lai!

Khi chính người dân Trùng Khánh lại biểu tình chống lại một chủ trương của họ Bạc thì ta phải hiểu rằng "quần chúng đã lên tiếng".

Nghĩa là từ truyền thông ở trên đến quần chúng ở dưới đã được huy động để hoàn toàn đưa Bạc Hy Lai, gia đình cùng phe cánh vào cửa sau của lịch sử, là chữ văn hoa để nói về đồng rác.

Bạc Ông và Bạc Bà đều có bản lãnh ghê người, mà không thể lọt qua kẽ tay của đảng chỉ vì tham vọng đã dẫn tới sự chủ quan nguy hiểm cho cả bản thân lẫn trung ương. Sau những vụ thanh trừng và tàn sát năm 1989, lần này, đảng Cộng sản lại biểu diễn một chiêu ngoạn mục khác. Rợn người.

Bi kịch về tham vọng trong vở Macbeth mới chỉ là trò vui của Tây phương mà thôi.


nguồn: net.


3 nhận xét:

  1. Một danh tướng việt nam đã từng nói "nhổ cỏ phải nhổ cho tận gốc, cỏ nào cao nhổ trước và sau cùng chỉ còn đất mà thôi", họ Bạc không hiểu luật chơi nên mới bị chơi.

    Trả lờiXóa
  2. (phan 1)

    Lê Phan



    Hẳn quý vị độc giả nếu không thích John le Carre hay không đọc nhà văn người Anh chuyên viết truyện gián điệp thì cũng đã nghe đến cuốn phim mà năm ngoái đã được đề cử khá nhiều giải Oscar Tinker, Tailor, Soldier, Spy.

    Khi dùng cái tựa đề đó, nhà bình luận David Pilling của tờ Financial Times hẳn muốn chứng tỏ tấm bi hài kịch quanh việc chính quyền Bắc Kinh thanh trừng ông Bạch Hy Lai, kể cả chuyện ông cựu giám đốc công an của ông Bạch, tìm cách bỏ trốn vào tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Thành Ðô và cáo buộc ám sát của một nhà kinh doanh người Anh, mà có người còn đồn là có thể có dính líu đến tình báo, nghe cũng chẳng khác gì một cuốn tiểu thuyết gián điệp của le Carre cả.

    Ðảng Cộng sản Trung Quốc thì không muốn chúng ta diễn dịch tấm bi hài kịch của họ như là một cuốn tiểu thuyết mà lại muốn nhân dân họ và nếu người ngoài nào nhẹ dạ dễ tin phải coi đây không phải là một cuộc tranh quyền bẩn thỉu mà là một vở kịch dạy đạo đức, kiểu “Bảy tội lỗi của ông Bạch.”

    Mà quả thật vậy, để biện minh cho việc đình chỉ chức vụ ủy viên Bộ Chính Trị và ủy viên Trung Ương, mà Tân Hoa Xã nói lý do là “bị tình nghi vi phạm kỷ cương kỷ luật nghiêm trọng,” Nhân Dân Nhật Báo đã cho đăng tải một bài bình luận với luận điệu vô cùng kênh kiệu. Bài bình luận viết, “Trung Quốc là một quốc gia xã hội chủ nghĩa cai trị bởi luật pháp, và sự uy nghiêm và uy quyền của luật pháp không thể bị xâm phạm...” do đó “ai vi phạm kỷ luật đảng hay phạm pháp sẽ bị xét xử nghiêm ngặt và sẽ không được dung túng dầu chức vị cao trọng đến đâu.”

    Nghe ra thì thật là hay. Không ai đứng trên pháp luật. Nhưng pháp luật trong một chế độ độc đảng lại không có hệ thống tư pháp độc lập là cái gì? Làm sao đảng Cộng sản Trung Quốc có thể nói một cách dương dương tự đắc về sự tối thượng của luật pháp, về luật pháp áp dụng đồng đều cho tất cả mọi người khi ai cũng biết là luật cho đảng viên không giống luật cho mọi người khác, nhất là khi đảng viên đó là một đảng viên cao cấp.

    Sự việc hàng lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải công khai thanh trừng một trong những nhân vật lãnh đạo của họ như thế này đủ cho thấy mối đe dọa mà ông Bạch có thể đem đến cho chế độ. Thanh trừng ông có lẽ là cố gắng tuyệt vọng để làm cho điều mà đảng đang mong ước, một cuộc chuyển quyền qua một thế hệ mới, được êm thấm.

    Nhưng vụ này, vốn đang được dân chúng Trung Quốc chăm chú theo dõi, đã cho thấy sự chia rẽ bên trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao mà có thể, vẫn có thể nứt rạn thêm nữa, trước khi một tân Thường Vụ Bộ Chính Trị được tuyên bố vào tháng 10 tới đây.

    Trong một chế độ như chế độ ở Trung Quốc hiện nay, tin đồn đã trở thành đáng tin cậy. Và điều này lại càng làm đảng Cộng sản lo sợ. Mới hôm 19 tháng 3 vừa qua, một nhận xét nhỏ nhặt của một nhà báo tài chánh trên Sina Weibo, địa chỉ microblog quan trọng nhất của Trung Quốc, một thứ Facebook+Twitter, đã tạo nên làn sóng tin đồn về một âm mưu hay một cuộc đảo chánh.

    Vào lúc 9 giờ sáng nhà báo này đã tweet là sáng nay không hiểu tại sao kiểm soát giao thông đặc biệt nghiêm ngặt ở Ðại lộ Tràng An, trục lộ đông tây chính của thủ đô. Tweet này nay đã bị dẹp bỏ, nhưng ông nhà báo còn nói thêm “quân xa khắp nơi,” và “nhiều công an thường phục ở mỗi ngã tư” cũng như “rào cản bằng sắt.”

    Vài ngày sau nhà báo này biến mất, có lẽ bị bắt, bởi tweet của ông đã được nhân lên 23,000 trên Sina Weibo và 375,000 lần trên địa chỉ đối thủ Tencent Weibo. Và dĩ nhiên trong cái trò chơi online, một tweet sẽ được nhân thêm ít nhất cả trăm lần. Nhà báo này, vô tình, có vẻ đã là nguồn gốc của tin đồn lan nhanh còn hơn lửa cháy rừng là có một cuộc âm mưu đảo chánh của những người ủng hộ ông Bạch Hy Lai.

    Trả lờiXóa
  3. (phan 2)

    Những nhận xét của ông đã được lập đi lập lại, thêm thắt bởi tweet của những người khác, làm cho câu chuyện càng ngày càng lâm ly và dáng sợ. Ðến 9 giờ tối, một bản tin của một tiểu blog đã kèm theo một tấm hình lờ mờ của xe cảnh sát trên đường phố, nói là tình hình đêm đó. Blog này đã được đưa vào blog của một người tên là Shen, có đến 1.9 triệu người theo trên Sina Weibo, đã cộng tấm hình này với lời ông Li và nhận xét của một blogger hàng đầu, nhà tỷ phú địa ốc Pan Shi Yi (9.6 triệu người theo), khiến câu chuyện còn lâm ly hơn nữa. Ông Pan nghe đâu viết, “Weibo kỳ cục quá tối nay. Post có một số chữ không lên. Mới post một tweet mà thấy số lời phê bình cứ đi xuống, tôi sợ quá. Phải chăng có ma?”

    Chưa hết. đến 11:24 tối, một blogger khác tweet “Súng nổ! Thêm tin lớn cho ngày mai! Mo Bai!” Vài giờ sau, ông này, tự nhận là họ Tang giải thích là ông đang nói đến một chương trình radio ông viết về một nhân vật tên là Mo Bai, chẳng dính dáng gì đến Bắc Kinh cả. Ông này sống ở miền Hoa Nam. Nhưng nó đã được cộng lại để đến 3 giờ sáng nó trở thành súng nổ ở Bắc Kinh! Rút cuộc sáu người bị bắt. Các mạng microblogs bị ngưng hoạt động ba ngày, và chính quyền lại càng thêm run sợ.

    Việc nhân danh “chế độ pháp trị” là để “thủ tiêu, ém nhẹm” ông Bạch. Nhưng quan trọng hơn nữa, nó là một cố gắng để tái khẳng định uy tín và chính nghĩa của đảng, vốn đã bị bôi nhọ trong vụ án ông Bạch và sự việc toàn dân Trung Quốc nghĩ đảng là đảng của tham nhũng. Ðối với đảng Cộng sản, điều còn quan trọng hơn nữa là làm sao đổ diệt cho ông Bạch và bà vợ là băng đảng tội ác và chính đảng mới là kẻ bảo vệ luật pháp.

    Bởi ông Bạch, tuy có thể đã coi thường bất chấp luật pháp, đã rất được hưởng ứng. Chiến dịch chống băng đảng tội ác ở Trùng Khánh tàn nhẫn và độc đoán. Nó bao gồm xử tử và tra tấn. Nhưng ông đã trình bày những chiến dịch này như là một cuộc chiến bảo vệ luật pháp và tẩy trừ tận gốc rễ tham nhũng. Một kiểu công lý anh hùng hảo hán nhưng ở một quốc gia đang rất thiếu công lý thì nó đã được người ta trầm trồ. Model Trùng Khánh trở thành một điều được nhóm cánh tả trong đảng và trong giới trí thức đề cao.

    Và đó là lý do tại sao đảng Cộng sản phải lấy lại cho được thế thượng phong. Nhân dân Nhật báo đã tìm cách lập một gạch nối giữa chế độ pháp trị với chế độ đảng trị khi viết “Người ta sẽ thấy sự cương quyết của đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc bảo vệ kỷ luật đảng và chế độ pháp trị.” Cơ quan ngôn luận chính thức của đảng đã làm như “kỷ luật đảng” và “chế độ pháp trị” là một.

    Nhưng ở Trung Quốc đến người ngoại quốc cũng biết rằng đảng Cộng sản có luật lệ riêng. Ðó là lý do tại sao nông dân mất ruộng đất và đó là lý do tại sao các doanh nghiệp ngoại quốc đành chịu mất kỹ thuật để được làm ăn trên đất này. Sự bất công đó đồng thời giúp cho đảng tồn tại nhưng nó cũng thật tai hại cho uy tín của đảng. Dân chúng Trung Quốc biết thừa là ông Bạch không phải là hoàng tử đỏ đầu tiên lạm dụng chức quyền! Vậy tại sao ông Bạch lại bị khai trừ trong khi các ông khác không bị?

    Hôm Thứ Ba, trong khi Bắc Kinh đang rúng động, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đi Hồng Kông và ở đó ông đã dẫn lời Luận ngữ về cái đức của người cai trị. Ông Ôn muốn trở lại nguồn để tạo chính nghĩa cho đảng, nhưng khi đã không có chính nghĩa thì lời người xưa có còn đủ hào quang cho đảng nhờ hay không?

    Trả lờiXóa