Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

câu đối - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc


***


Lê Thánh Tông, lúc còn là hoàng tử, một hôm dạo chơi trên bờ sông đào vùng Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tình cờ gặp một cô con gái xinh đẹp đang vo gạo ở dưới bến, liền đọc bỡn một câu:

Gạo trắng nước trong,
mến cảnh lại càng thêm mến cả ...

Cô gái tiếp tục vo gạo, khi xong, cắp rá ra về, ngoái cổ lại đọc:

Cát lầm gió bụi,
lo đời đâu đấy hãy lo cho ...

Hoàng tử khâm phục lời khuyên, vì bấy giờ đương buổi loạn li, làm thân nam tử hãy lo việc lớn xong đâu đấy, rồi hãy nghĩ tới việc ... kia khác.




***


Nhiều khi, gặp vế đối không đối được, phải tìm lối thoát bằng diễu cợt: Nguyễn Hòe đi với bạn vào chơi một chùa, được sư cụ tiếp đãi ân cần, thì mấy ông bạn quý lại quay ra báng bổ nhà chùa. Sư cụ bực mình ra câu đối:

Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ

Nguyễn Hòe cực chẳng đã phải đối bằng diễu cợt để cứu vãn thể diện chung:

Trên sư dưới vãi, ngảnh lưng trở lại, trên vãi dưới sư.




***


Vùng Nghệ An, vị sư kia vốn tính thích thơ phú, mỗi khi gần tết, lại viết câu đối, dán đỏ chóe cả chùa. Ông Hoàng Phan Thái giả làm người học trò nghèo, đến chùa xin ngủ nhờ. Đêm dậy, ông mò vào chỗ cột cửa Tam Bảo, thấy sư đã viết một đôi bốn chữ. Một bên là "Khuyến thiện trừng dâm", đối với "Cứu nhân độ thế". Ông viết nốt vào hai bên thành ra:

Khuyến thiện trừng dâm, con dâu đẻ tháng tư mồng tám?

Cứu nhân độ thế, của ai vay mất một đến mười?

Ông Thái lấy tích tháng tư mồng tám là ngày bụt sinh và câu phương ngôn: "Của bụt mất một đền mười", ý nói: đã khuyến thiện răn dâm, sao lại có ngày bụt sinh; đã cứu người giúp đời sao lại mất một đến mười? Hôm sau sư đọc thấy, giận lắm. Nhân lúc đó đang rót dầu, lại mải trừng mắt nhìn Thái nên để dầu đổ ra cả cái đế đèn, liền lẩm bẩm:

Dầu vương cả đế

Hoàng Phan Thái vừa chạy vừa ngoái lại đối:

Ỉa vãi vào sư




***


Khi còn đi học, Nguyễn Công Trứ cầm một quan tiền đi mua hàng cho thân mẫu, nửa đường gặp bọn đánh đáo rủ đánh ăn tiền, ông đứng lại chơi, rủi ro thế nào thua hết cả, ông tự an ủi bằng hai câu:

Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa!

Chữ đây, tiếng Nghệ dùng cũng như tiếng đồng (đồng bạc, đồng tiền) ở ngoài Bắc. Quan là quan tiền nhưng lại có thể hiểu là làm quan, cũng như chữ có thể hiểu là chữ nho.

Hai câu trên, năm 1933, có người đã chép gửi cho ông Phạm Quỳnh, bấy giờ vừa từ ghế chủ bút báo Nam Phong nhảy lên ghế thượng thư:

Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy,
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa?



***

2 nhận xét:

  1. "rồi hãy nghĩ tới việc ... kia khác.", việc lớn là việc kia khác, có việc kia khác mới còn tồn tại, một đất nước không có dân còn gì là "nước" ?
    có nước phải có dân, có dân mới có nước, vậy việc kia khác là việc phải làm, trước khi làm việc lớn.

    Ông bạn hỏi thử tất cả coi ở đời, tiểu là đại và đại là tiểu, sự đời lắm chuyện "ĐT" và "TĐ"
    là ở chổ này.

    Trả lờiXóa
  2. đúng là ông bà mình lúc nào cũng phải chứng minh mình là khuôn thước của thiên hạ. Phải quân tử, phải không mê gái, phải không làng màn, phải tửu trung bất túy, phải tài thượng phân minh ... một ngàn cái khác để cho bao nhiêu người coi mình là mẫu mực.

    với câu chuyện vừa yết lên tui chưa dám bàn nhiều, chỉ là ôn chuyện xưa thôi... để nhớ lại tác phẩm chơi chữ đọc hồi xưa mà thôi...

    thiệt ra, nếu bàn bạc, tâm tư thì trang blog này sợ rằng không đủ cở...

    Trả lờiXóa